ở thời kỳ nguyên thủy, nó chiều tay ấy như chiều vong, nhẹ nhàng cứ gọi là bố mẹ phải thấy tủi thân. Tôi thì không, trong cái thời đại mới rồi, nhất là Nhi lại làm báo phải bảo vệ cái quyền của phụ nữ là được yêu thương chứ, tôi lên án cách xử sự của Nhi, nếu tôi là Nhi, tôi đã cho hắn đi tàu suốt từ đời tám hoánh nào rồi.
Đi chơi thì đồ của Nhi bao giờ nó cũng phải tự xách vì người yêu nó quan niệm cứ mang vác đồ cho bạn gái sẽ bị thiên hạ cười chê là bưng đít phụ nữ… Cái tính nhu mì ấy của Nhi làm sao tôi đồng tình cho được, cứ trông vào cái tấm gương trước mặt như thế, ai mà dám mạo hiểm nhất là khi tôi đã tôn thờ chủ nghĩa độc thân.
Tôi là tôi, là một đứa con gái với rất nhiều quan niệm sống khác người. Trong khi mọi người cố gắng sống khôn khéo, dỹ hoà vi quý ở cái thời đại mà khôn thì sống, chống thì chết này thì tôi lại không như họ, tôi sống thẳng thắn, yêu hay không yêu cũng rõ ràng. Tôi không nhắm mắt cho qua những chuyện vô lý, bất công. Tôi không thoả hiệp với cái sự nhu nhược, không bỏ qua cái xấu xa, không chủ nghĩa bè phái…tất cả những điều ấy làm tôi khác người.
* * *
Ngày tôi khoác cái ba lô lên đường với niềm háo hức lạ kỳ, mẹ đứng khoanh tay trước cửa nhìn tôi vẻ thắc mắc, mẹ ngạc nhiên vì cái nét rạng ngời ít có ở tôi trước mỗi chuyến công tác, bà quay đi cười, chắc bà nghĩ tôi bắt đầu “in love” ai đó. Tôi ôm hôn mẹ và lẩm bẩm “Never fall in love!”. Mẹ nghe câu được câu mất tưởng tôi chào mẹ nên nói “Ừ, thôi đi đi con, đi cẩn thận nhé!”. Tôi phá lên cười vẫy tay chào mẹ và chui tọt vào chiếc taxi đang chờ sẵn. Tình yêu ư, tôi nhún vai, với tôi nó quá là xa xỉ và mơ hồ, tôi sẽ sống một cuộc sống như bác tôi để hoàn tất cái tham vọng trở thành nhà báo lừng danh của mình.
Tôi đến nơi tập kết khi Nhi đã chờ sẵn, tay người yêu Nhi cũng đang ở đó, hắn cứ đeo bám Nhi như kèm kem, yêu mà thế này, mà mất tự do thế này thì ở giá cho xong. Tôi cứ để Nhi thoả sức dỗ dành “trẻ con”, tôi lẩn ra phía gốc cây, quăng cái balô xuống đất, nhăn mặt vì mấy con kiến lăng xăng chạy trên mắt kính, mặt tôi đỏ gay vì nắng, tôi đang nhăn nhó nhìn trước ngó sau thì thấy trước mặt một chiếc ô tô trông quen quen đi từ từ tới. Tôi mở to cặp mắt nhìn vì tò mò, cái bóng dáng bước xuống xe cũng quen quen.
Thuỳ ! Tôi vội vàng đứng thẳng người, miệng nở nụ cười tươi rói định xăng xái bước tới thì thấy cửa xe bên kia bật mở, một anh chàng cao lớn, chững chạc bước xuống cùng cái vali to tướng. Tôi chưng hửng, vội vàng rút vào cái mai rùa, đứng len lén từ xa nhìn Thuỳ. Bạn trai Thuỳ, tôi đoán thế, một anh chàng bảnh bao, trông họ khá ăn ý, lại tiếp tục một màn chia tay ướt át. Ôi! Sao mà tôi buồn thế này nhỉ, ngoài mẹ ra chẳng có ai để tôi bịn rịn mỗi khi chia tay thế này. Thôi, bỏ mặc các đôi uyên ương, tôi leo vội lên xe tìm một chỗ vừa ý khi anh tài vừa mở cửa.
Tôi không thích ngồi đầu vì muốn nhưòng chỗ cho mấy chị hay say xe cũng chẳng muốn ngồi cuối để thành tâm bão cho mấy tay con trai thích trêu hoa ghẹo nguyệt. Cứ ngồi giữa là an toàn hơn cả. Rút cái headfone gắn lên tai, hạ cặp kính Rayban đen xì cho nó che hết khuôn mặt để tiện ngủ gật, tôi an tâm vì màn nguỵ trang của mình. Xong xuôi tôi tự thưởng cho mình một bản nhạc êm dịu của Tschaikowsky, tôi mê Tschaikowsky điêu đứng, mỗi khi những âm điệu du dương của bản nhạc ngân lên tôi thấy hồn bay bổng theo những âm thanh thánh thót của cung đàn, cả con người tôi như tan ra và hoà vào điệu nhạc. Tôi đấy ! Một kẻ hâm dở đam mê nhạc thính phòng trong cái xã hội hiện đại sống động với những “bước nhảy xì-tin”. Cái đam mê của tôi là đề tài của rất nhiều kẻ không ưa tôi, họ cho rằng tôi hâm hâm thế thì đến bao giờ có bạn trai và rồi tôi bị stress nặng do làm việc quá mức nên chập mạch hay còn có thông tin hay ho hơn là do tôi học nhiều quá nên giờ tay nhặt lá, chân đá ống bơ. Vui khỏi nói!
Tôi đang lơ mơ thì Nhi lên, nó đặt đít ngồi phịch lên ghế cạnh tôi, miệng cằn nhằn : – Chọn chỗ nào không chọn, chọn đúng cái chỗ có bình xăng thế này, lát nữa tao ói vào người mày cho chết. Tôi đẩy đầu nó ra xa : – Mày ói vào mấy tay bên Sở y tế á, sẵn tiện nó cấp thuốc chống say cho.
Nhi biết tôi chọc nó nên nó giơ tay véo tai tôi đau điếng. Nhi là đứa bạn rất rất thân của tôi, tôi không bao giờ tiếc nó điều gì và ngược lại nó đối với tôi cũng vậy, chúng tôi chia xẻ với nhau những tâm tư tình cảm thầm kín nhất của bản thân mình. Tôi quen nó khi đang lang thang tìm việc bán thời gian khi là sinh viên năm thứ 3, Nhi hoạt bát lại nói năng khôn khéo hơn tôi nên được mọi người quý mến. Tôi và nó cũng nộp hồ sơ vào một Công ty truyền thông tư nhân, lần đầu gặp Nhi đã nhanh nhẩu, đon đả chào hỏi tôi mà không hề có ý dè chừng đối thủ, nó bảo tôi đi làm cho biết mùi đời thôi, lấy kinh nghiệm chứ đâu có thành đạt gì ở cái công ty nhỏ bé này thế nên tôi cứ vô tư đi, trúng tất ấy mà. Kể từ lúc đó tôi và nó thành bạn rồi qua thời gian, qua nhiều thử thách chúng tôi hiểu nhau hơn và càng gắn bó hơn khi được nhận vào cùng một Toà báo, điều này thì cũng có một phần là công ở tôi. Hì, thì tôi cũng tự kiêu một tí cho có giá trị, chính tôi là người tiến cử và nộp hồ sơ cho Nhi với chú Thái.
Sau nhiều năm tình bạn của chúng tôi càng được bồi đắp và trở nên khăng khít khó chia lìa. Nhi tôn trọng tôi, tôn trọng những sở thích của tôi, nó nể phục tôi vì trình độ chuyên môn cũng như cái tính rất trách nhiệm của tôi. Còn tôi, tôi giúp Nhi tất cả những gì nó muốn, mặc dù không đồng tình với cái quan điểm yêu đương của nó nhưng tôi cũng không phá nó vì thực ra tôi đâu có biết gì về tình yêu đâu.
* * *
Tôi bỏ mặc Nhi với những cằn nhằn cố hữu của con gái, nhắm mắt chờ xe chạy, sáng nay dậy sớm giờ tôi ngáp vặt liên tục, cái máu dễ ngủ luôn làm tôi đỡ mệt mỏi, quên đi những dằn vặt đời thường. Chiếc xe rề rề lăn bánh qua nội đô thì tôi mới tỉnh giấc bởi điện thoại báo có tin nhắn. Tôi lầm bầm mắng cái kẻ phá giấc ngủ của mình. – Chào Gió! Chỉ nội hai từ ấy đã làm tôi ngất xỉu bên Nhi. Gió! là Thuỳ nhắn tôi, chỉ có Thuỳ mới gọi tôi như vậy.
Tôi nhướng mắt nhìn lên trên tìm bóng Thuỳ, lòng tự hỏi do đâu mà cô ấy biết số điện thoại của tôi, tôi vỗ đầu đánh đét, sao tôi ngu quá vậy, chỉ trừ phi Thuỳ không muốn biết chứ số điện thoại của tôi đã lưu trên bệnh án của bác hôm đưa bác vào viện rồi mà. Không thấy Thuỳ đâu thì điện thoại lại rung : – Đừng nhìn lên! Nhìn sang phải đi, Nắng ngồi bên này mà.
Tôi khẽ quay đầu một cách bẽn lẽn, Thuỳ với khuôn mặt đẹp như tượng thần đang mỉm cười với tôi, cô ấy khẽ vẫy vẫy những ngón tay nhỏ xinh như muốn phẫu thuật bộ mặt đang đờ ra của tôi. Tôi giật mình vì chẳng hiểu điều gì khiến tôi cứ bị khớp mỗi khi gặp Thuỳ, vì sự nhiệt tâm, trong sáng và vô tư của cô ấy hay vì một lẽ gì khác, tôi không biết nhưng tôi sẽ tìm hiểu. Tôi gật gật đầu chào lại Thuỳ trong ánh mắt long lanh bị che lại bởi cặp kính đen. Nhi ngạc nhiên khi thấy tôi chào một người lạ trên xe, nó hỏi : – Quen hả? – Là bác sỹ mổ cho bác Dũng. – Trẻ như thế sao? Trông cứ như tuổi teen thế hả? – Uhm! Giỏi lắm đấy.
Đúng lúc đó tin nhắn lại đến : – Cấm nói xấu Thuỳ! Lát nữa sẽ hỏi tội tại sao giấu Thuỳ về việc sẽ đi công tác cùng Thuỳ. – Lam xin lỗi, muốn Thuỳ bất ngờ thôi. – Hãy cầu Chúa là không cùng phòng đi nếu không Lam khỏi ngủ vì Thuỳ có rất nhiều thứ để Lam sợ đấy. Tôi gửi lại tin nhắn với vài emotion thách thức Thuỳ. Thuỳ cũng chẳng vừa, tặng tôi một chữ “Oánh” to đùng được viết bặng chữ in hoa.
Chúng tôi đến nơi khi đã nhá nhem tối, từ thành phố lên Sapa ước chừng gần 350km đường bộ, giờ giao thông thuận tiện chứ trước lên vùng cao này dễ có đến 2 ngày. Suốt dọc đường đi tôi đếm được không biết bao nhiêu kiểu nhà cửa đặc trưng từng vùng miền của đất nước. Có đi dọc chiều dài đất nước mới thấy nỗi nhớ quê hương da diết nhường nào. Tôi áp mặt vào khung cửa kính mát lạnh của chiếc xe như muốn nuốt chửng những gì nhìn thấy.
Tai tôi ù đặc vì sự thay đổi áp suất khí quyển. Cả người tôi đau ê ẩm, những tiếng răng rắc vang lên sau mỗi động tác vặn người, lúc này mới biết tại sao mà bác tôi chăm tập thể dục, ông có thể đi cả ngày đường mà không hề thấy kêu mỏi mệt. Tôi ưỡn ngực, thẳng lưng làm vài động tác đơn giản học lỏm của bác tôi rồi cúi xuống kéo chiếc vali của mình, Thuỳ cũng đang khệ nệ với cái vali to bự chảng, tôi thấy mắc cười và tiến lại gần bỏ mặc Nhi, đây là lần đầu tiên tôi bỏ mặc Nhi với đống hành lý của nó, Tôi chìa tay cho Thuỳ : – Đưa Lam kéo vali cho, Thuỳ đeo giúp cái balô của Lam nhé!
Thuỳ cảm động gật đầu, chắc cô ấy nghĩ tôi đang muốn trả ơn việc làm của cô ấy với bác tôi đây, Thùy những tưởng cái balô của tôi nhẹ như lông hồng cũng nên, chỉ khi cô ấy nhấc nó lên vai, tôi mới thấy cô ấy nhăn mặt, trong đó là máy tính, máy ảnh và phụ kiện dùng cho công việc của tôi, ngót ngét cả 7kg chứ chẳng chơi. Ôi! Tôi làm gì thế này, một mình tôi kéo 2 cái vali nặng chịch mà cứ đi phăm phăm, Thuỳ và Nhi phải vất vả lắm mới bám theo được. Khách sạn nơi chúng tôi ở là một quần thể những căn nhà kiểu biệt thự cổ, chưa được sửa chữa nên nó khá rẻ và ẩm thấp. Ông Trời thật khéo sắp đặt khi hướng dẫn réo tên tôi và Mai Thuỳ cùng một phòng, tôi chết đứng còn Thuỳ khẽ cười láu cá. Nhi thì tức tôi ra mặt, cũng phải thôi từ trước giờ tôi như một sự sở hữu riêng của Nhi nay nó lại phải chia sẻ cái sự sở hữu ấy thì đương nhiên là bực mình rồi nhưng chắc nó nghĩ tôi vì quan hệ xã giao mà làm thế thôi, dù sao cũng là bác sỹ mổ cho bác tôi mà.
Chúng tôi được phân về một phòng nhỏ có 2 giường đơn, không đầy đủ tiện nghi lắm nhưng chúng tôi chẳng đòi hỏi vì đi làm từ thiện mà đòi hỏi thì có khác nào việc trao đổi, mua bán nhưng quan trọng hơn cả là cái phòng này giúp tôi nhìn ra một cái thung lũng toàn những thửa ruộng bậc thang đẹp như trong mơ. Những thửa ruộng ngút ngàn, nối nhau trải trên một bình nguyên rộng lớn, màu xanh mướt, đẹp như vô thực. Tôi và Thuỳ tranh nhau cái giường phía gần cửa sổ nhưng rốt cuộc tôi nhường cô ấy vì nể là ân nhân của gia đình tôi. Kể cũng bất tiện vì mỗi khi định ngắm nhìn cái khung cảnh bên ngoài thì tôi lại phải nhờ vả Thuỳ để leo lên cái giường ấy. Với tôi, dù chơi với ai thì số phận cũng buộc tôi phải là kẻ nhường nhịn, Thuỳ cũng như vậy, tôi nhường Thuỳ cả cái phòng tắm bé xíu, tốt thôi, tôi sẽ có ít nhất 30 phút để chọn các góc cạnh mà chụp hình qua khung cửa sổ này.
Tôi kéo vali vào phòng rồi quay lại tìm Nhi, nó đang ì ạch với đống đồ, tôi vội vã tới gần nhấc cái túi to nhất khỏi tay nó, Nhi lườm tôi : – Mày giỏi lắm ! Sao không lượn luôn đi. – Tao cũng muốn lượn lắm nhưng lại sợ hổ nó vồ mất mày nên tao không nỡ. – Mày ở chung phòng với cô ấy à? – Phân phòng như thế, tao làm thế nào được. – Đổi đi ! Tự dưng trong tôi lại dấy lên một sự ích kỷ, tôi muốn gần Thuỳ để xem ở cô ấy có điều gì làm bác tôi cứ tấm tắc khen mãi. Khen đến quên mất cả đứa cháu cưng này. Nghĩ vậy tôi nói : – Thôi, đổi chác phiền toái lắm, tao sẽ qua phòng mày thường xuyên, ok? – Tao biết ngay mà, thôi được rồi, lát gặp mày sau nhé!
Nhi đóng cửa phòng rồi mà tôi vẫn còn tần ngần đứng ngoài, trái tim tôi lại đập cái nhịp áy náy kìa, nó vẫn thế mà nhưng nó có lý lắm khi tôi nỡ bỏ một đứa bạn thân chỉ vì một sự tò mò mới lạ. LƯƠNG TÂM là cái tay khó chịu nhất vì nó làm tôi thường ăn ngủ không yên, nó tròng ghẹo tôi, chế nhạo tôi cho đến khi nào tôi bực mình hét lên thì nó mới chịu lắng xuống. Lần này cũng vậy, nó cứ lải nhải trách móc tôi như muốn moi móc tâm can tôi ra, tôi sợ nó sẽ vượt ra ngoài và Thuỳ sẽ thấy nó nên tôi không về phòng. Tôi đi về phía cuối con đường nhỏ, men theo sườn núi, trời tối thẫm dần, tầm mắt đã bị ngăn cản, những cây thông già lừng lững trong bóng đêm, đi mỏi chân thì cái thằng LƯƠNG TÂM cũng mệt, nó thì thầm bảo tôi về thôi, tôi mặc kệ đi thêm chút nữa, nó mệt nhoài và bắt đầu xin xỏ tôi, năn nỉ tôi sẽ không lấn lướt tôi nữa, lúc này tôi mới thôi. Tôi về phòng trong cái nhìn ngơ ngác của Thuỳ, cô ấy đã tắm xong và ngạc nhiên vì sự mất tích của tôi nhìn Thuỳ gọn gàng trong trang phục như đi đánh polo tôi khâm phục lắm. – Lam biến đi đâu đấy? Tôi nháy mắt ra vẻ bí mật : – Gió mà! Thuỳ mỉm cười và bảo tôi : – Hướng dẫn vừa gọi, Lam tắm nhanh còn xuống nhà ăn tập trung, đừng để mọi người chờ lâu.
Tôi răm rắp làm theo Lam như một đứa trẻ ngoan ngoãn, không hiểu sao trong cái căn phòng nhỏ này quyền uy của Thuỳ vẫn còn chế ngự được tôi. Dòng nước ấm làm tôi sảng khoái, tôi nhắm mắt để mặc những giọt nước tràn qua tóc xuống mặt gột rửa những bụi bặm của cả một ngày đường. Trong phòng tắm hương thơm của Thuỳ như vẫn còn đâu đây, nó êm dịu và man mác như bầu không khí của cái thị trấn nhỏ xinh đẹp này. Tôi mê Sapa cũng như mê dòng nhạc thính phòng. Từ khi còn là sinh viên tôi đã cùng mấy đứa bạn liều lĩnh khám phá thành phố cổ kính này. Chúng tôi khoác trên vai những cái ba lô nặng trĩu chứa đựng sự háo hức và nhiệt tình của tuổi trẻ, không cần khách sạn, chúng tôi tự cắm trại trên sườn những ngọn núi, ăn ngủ tập thể, lúc nào tắm thì chạy vào một cái nhà nghỉ nhỏ thuê phòng tắm, chủ trương của chúng tôi là “Ngon, bổ, rẻ và nhiều”. Tuổi trẻ thật nhiều đam mê và sức khoẻ cho phép chúng tôi thực hiện những đam mê ấy. Bây giờ với vị trí công tác tôi trở lại Sapa thường xuyên hơn nhưng nó không thể còn cái cảm giác như những ngày đầu tiên ấy nữa. Tôi sẽ không dừng mạch suy nghĩ lại nếu không có tiếng Thuỳ gọi, tôi bừng tỉnh, tắt nước và đóng bộ chỉnh tề bước ra ngoài.
Trời đã tối hẳn, Sapa lạnh hơn, tôi khẽ rùng mình lục tìm cái áo khoác mỏng có mũ. Thuỳ thấy tôi mặc vậy khen : – Trông Lam như thiếu niên Mỹ á. Tôi nhìn lại mình thấy cũng đúng, quần ngắn tới gối, giầy vải thể thao mỏng lại khoác áo khoác. Tôi thích mặc thế này vừa khoẻ lại vừa năng động, nếu ở nhà thế nào mẫu thân tôi cũng mắng “Trông con kìa, ăn mặc chẳng ra sao, trên đông dưới hè” rồi thế nào bà cũng thở dài đánh thượt một cái cho mà xem.
Tôi tự tin sánh bước Thuỳ đi xuống phòng ăn. Nhi đã chờ tôi từ khi nào, thấy tôi nó vẫy nhặng lên, không cần ý tứ, tôi xấu hổ khi thấy mình thành tâm điểm của sự chú ý. Thuỳ cũng tách khỏi tôi để tiến về phía đoàn của cô ấy. Tôi ngồi xuống cạnh Nhi, dường như nó cũng quên mất việc phải giận tôi vì cái chuyện lúc chiều cũng nên, Nhi là vậy, đơn giản và vô tư. Tôi nhìn nó, giá mà tôi có vài phần trăm như nó. Uy ngồi ngay cạnh Nhi, mắt anh ta đang dán vào cô gái mà tôi vừa đi cùng, tôi tặc lưỡi “Thằng háu gái!”. Thấy tôi ngồi xuống, Uy không dám nhìn Thuỳ một cách sống sưọng nữa nhưng hắn vẫn len lén nhìn sang Thuỳ, tôi biết thế. Suốt từ hôm Uy về tôi chẳng mấy khi nói chuyện với hắn ta, cái cách mà hắn tiếp cận mọi người làm tôi thấy gai gai, nó giả tạo từ trong lời nói lẫn hành động, dường như những việc hắn làm đã trở thành một kỹ năng được tôi luyện có bài bản. Chẳng hiểu nếu hắn thực sự sẽ chiếm được cái ghế Tổng biên tập thì tôi và hắn sẽ ra sao. Dù sao tôi cũng chẳng cần, không ai biến tôi thành một con người khác được.
Tôi ghé tai hỏi
Đến trang: