Ngoảnh lại, Nga thấy Khải đang đứng trước cổng nhà hàng xóm ngó sang. Nó ngạc nhiên:
- Anh đi đâu vậy?
Khải cười:
- Tôi đâu có đi đâu! Nhà tôi ở đây!
Vừa nói, Khải vừa chỉ tay vào căn nhà có hàng rào bông giấy. Nga trố mắt:
- Ủa, anh ở đó hả ?
- Ừ.
- Anh ở đó sao Nga không biết ?
Vừa buột miệng, Nga chợt thấy câu hỏi của mình kỳ cục và ngớ ngẩn làm sao. Nó chưa biết chữa lại như thế nào, Khải đã đáp:
- Tại Nga không để ý đó thôi! Còn tôi, tôi biết Nga từ hồi Nga mới dọn về.
Câu nói của Khải khiến Nga bối rối vô cùng. Nó chỉ biết mỉm cười bẽn lẽn.
Khải lại hỏi:
- Nga đi đâu về đó?
- Nga đi chơi với chị Ngàn.
Nga quay lại định giới thiệu chị Ngàn với Khải. Nhưng chị Ngàn không có ở đó. Chị bỏ vào nhà tự lúc nào. Trong khi Nga đang còn loay hoay chưa biết nói gì, Khải bỗng lên tiếng:
- Tôi vào nhà chơi được không ?
Không hiểu sao Nga lại lúng túng buột miệng:
- Nhà nào ?
- Thì nhà Nga ấy! – Khải mỉm cười – Nếu tôi vào nhà… tôi, tôi đâu cần phải xin phép làm gì!
Câu pha trò của Khải khiến Nga bất giác phì cười. Nó không hiểu sao mình lại vụng về đến mức ấy. Nó nhìn Khải, gật đầu:
- Mời anh tự nhiên.
Thực ra, Khải “tự nhiên” hơn Nga tưởng nhiều. Anh vừa bước qua, vừa gật gù nhận xét:
- Lẽ ra Nga phải mời tôi vào nhà chơi trước khi tôi đề nghị kìa!
Nga biết Khải nói đùa. Nhưng cái giọng trịch thượng của anh thật đáng ghét. Nga định nói “còn khuya” nhưng cuối cùng nó kềm lại được. Nó mi’m môi, lặng lẽ dắt xe vào nhà. Khải đủng đỉnh theo sau.
Khải vào chơi không lâu. Và anh cũng chẳng trò chuyện gì nhiều. Khải chỉ hỏi Nga hồi trước học trường nào, tại sao lại chuyển về đây. Nga trả lời là Nga không biết, gia đình đi đâu Nga đi đó.
Khải nói:
- Trong lớp hình như Nga không chơi với ai?
- Tại mới về, Nga còn lạ.
- Nga vào học nửa tháng rồi, lạ gì nữa?
Nga cười:
- Thì Nga vẫn trò chuyện với Hạnh và Quỳnh đó chứ!
Nghe nhắc đến Quỳnh, Khải khụt khịt mũi:
- Nga nói chuyện với Quỳnh, chắc Quỳnh sung sướng lắm!
Nga nhíu mày:
- Sao anh lại nghĩ vậy?
Thấy Nga có vẻ khó chịu, Khải thoáng bối rối:
- Thì tại vì… trước nay Quỳnh ít trò chuyện với bạn gái.
Nga không nói gì. Nó ngồi im một hồi, rồi khẽ nói:
- Quỳnh là một người bạn đáng mến.
Khi nói, Nga không nhìn Khải nhưng nó vẫn cảm thấy anh đang cựa mình trên ghế. Nga chờ đợi Khải phản đối ý kiến của mình. Nhưng không, Khải chỉ nói:
- Quỳnh làm trò thật hay!
Nga lại khẽ nhăn mặt. Khải không hiểu hoặc cố tình không hiểu điều Nga nói. Sự đáng mến của Quỳnh không phải ở chỗ anh biết ve vẩy hai tai hoặc biểu di- n trò đi hai tay ngoạn mục. Nga muốn nói đến sự tốt bụng của anh bạn kỳ dị và lúc nào cũng rụt rè này.
Nhưng Khải không hiểu điều đó thật. Cũng như anh không hiểu tại sao mình khen Quỳnh mà Nga lại tỏ vẻ không hài lòng. Tự nhiên Khải cảm thấy cuộc trò chuyện bắt đầu trục trặc và anh biết rằng mình đã đánh mất thái độ tự tin khi mới bước vào nhà. Vì vậy, Khải vội vã cáo từ.
Nga đưa Khải ra tận cổng, và nói:
- Khi nào rảnh, anh cứ ghé chơi.
Khải gật đầu, nhưng anh không biết chắc khi nào mình mới thực hiện được lời mời hấp dẫn đó.
Nga vừa quay vào đã thấy chị Ngàn đứng ngay trước cửa. Chị Ngàn nhìn Nga, chớp chớp mắt, trêu:
- Bữa nay Nga kiếm ở đâu ra một anh chàng đẹp trai thế?
Nga đỏ mặt:
- Chị đừng có nói bậy! Đó là anh Khải, bạn cùng lớp với em.
Chị Ngàn nheo mắt:
- Bạn cùng lớp mà dẫn về nhà, chắc là thân lắm!
Nga nhún vai:
- Em đâu có thân. Nhưng nhà anh ấy ở kế đây nè. Nhà có hàng rào bông giấy đó.
- À, vậy thì chị nhớ ra rồi! – Chị Ngàn gật gật đầu – Chị có gặp anh chàng đó đi ngang nhà mình mấy lần. Lần nào chạy ngang, anh ta cũng nhìn vào đây, chắc là… tìm em.
Chị Ngàn vừa nói vừa cười khúc khích. Còn Nga thì vùng vằng bỏ vào nhà, giọng giận dỗi:
- Chị lúc nào cũng chọc em!
Nga quen Khải chỉ có thế. Sau lần đó, Khải không ghé chơi nhà Nga thêm lần nào nữa. Gặp nhau ngoài đường, Khải chỉ mỉm cười chào Nga và hỏi thăm vớ vẩn vài câu. Nga cũng đáp lại qua loa, thế thôi. Mãi cho đến khi Nga và Quỳnh bị Luận “tấn công”, Khải đã xuất hiện kịp thời để “cứu bồ” trong cơn khốn đốn. Và hôm đó, Nga đã bắt gặp trong ánh mắt của Khải một thứ ánh sáng lạ lùng nửa muốn phơi bày nửa như che giấu. Và từ lúc đó cho đến khi về tới nhà, Nga đã cố quên đi. Mặc dù biết ơn Khải, Nga vẫn không có tình cảm nhiều với anh, có lẽ do những ấn tượng chẳng ngọt ngào gì trong lần gặp gỡ đầu tiên.
Còn Quỳnh, sau lần đó, lại càng im thin thít. Anh như một con chim bị đạn, bây giờ thấy cái gì cũng sợ. Ngay cả khi Nga bắt chuyện, Quỳnh cũng ậm ừ. Trong khi trả lời nhát gừng, anh cứ lấm lét nhìn ra cửa. Anh sợ Luận bắt gặp. Anh sợ nó lại ông ổng trêu chọc như bữa trước.
Thái độ chết nhát của Quỳnh khiến Nga bực mình. Nó gắt lên:
- Nói chuyện với tôi có gì mà anh phải hoảng lên vậy ?
Thấy Nga nổi sùng, lại xưng “tôi” thay vì xưng tên như mọi ngày, Quỳnh càng lúng túng. Anh cứ ngồi đực mặt ra, mũi đỏ ửng.
Nga thấy tội tội, liền nói:
- Anh đừng sợ! Luận không dám chọc Nga và anh nữa đâu!
Được Nga trấn an, Quỳnh không đảo mắt ra cửa nữa. Nhưng anh vẫn ngậm tăm. Thấy vậy, Nga bèn tìm cách gợi chuyện. Nó dịu dàng nói:
- À, anh có thấy cái áo của Nga mặc hôm nay không?
Quỳnh gật đầu:
- Thấy! Mà sao?
Nga mỉm cười:
- Cái áo hôm trước đấy!
Thấy Quỳnh vẫn chưa hiểu, Nga nói thêm:
- Cái áo bị vướng vào líp xe ấy mà. Hôm trước dầu mỡ dính đen thui, nhờ lọ benzine của anh, hôm nay cái áo trắng tinh lại rồi.
Vừa nói, Nga vừa kéo vạt áo sau lên cho Quỳnh xem. Quỳnh khẽ liếc vạt áo, mỉm cười không nói gì. Nhưng ánh mắt anh lộ rõ vẻ sung sướng.
Thấy Quỳnh vui vẻ, Nga cười nói:
- Bây giờ Nga hỏi anh câu này, anh đừng giận nghen ?
Quỳnh ngước nhìn Nga, thoáng ngạc nhiên:
- Câu gì ?
- Thì anh hứa là anh không giận Nga, Nga mới hỏi.
- Tôi hứa.
Mặc dù Quỳnh đã hứa, Nga vẫn chưa dám hỏi ngay. Sau một lúc ngần ngừ, nó mới khẽ hạ giọng:
- Tại sao mọi người lại gọi anh là… thằng quỷ nhỏ?
Hỏi xong, bất giác Nga cảm thấy áy náy. Nó sợ Quỳnh xấu hổ. Và anh sẽ giận nó. Nhưng không, Quỳnh chỉ cười. Và nói:
- À, đó là cái biệt hiệu… hồi trước.
- Hồi trước là hồi nào? – Nga trố mắt.
- Hồi học lớp bảy ấy mà! – Quỳnh khẽ hắng giọng – Hồi đó, có một hôm lớp nghỉ hai tiết đầu. Trong khi chờ vào học hai tiết sau, tụi bạn thách tôi đi hai tay dọc theo hành lang. Khi tôi “đi” ngang qua lớp 7A, tụi học sinh lớp này liền chồm hết ra cửa sổ. Lập tức thầy Công dạy toán chạy ra. Thấy tôi đang làm trò, thầy liền bước lại và…
Đang kể, Quỳnh bỗng ngập ngừng. Nga sốt ruột:
- Và sao nữa?
Quỳnh đưa tay lên gãi đầu, ấp úng:
- Và… và thầy xoắn lấy tai tôi, hét lên: “Mày làm cái trò gì vậy, thằng quỷ nhỏ?”. Tụi bạn đứng chung quanh cười ầm và thế là từ hôm đó… từ hôm đó…
Nói chưa hết câu, bỗng dưng Quỳnh im bặt và anh khẽ đưa tay sờ lên vành tai của mình. Cử chỉ vô tình của Quỳnh khiến Nga bật cười:
- Bộ thầy Công bẹo tai đau lắm hả?
Câu chòng ghẹo của Nga làm Quỳnh đỏ mặt. Anh lúng túng bỏ tay xuống:
- Đâu có!
Trong một thoáng, Nga cảm thấy sự bối rối thật thà của Quỳnh thật đáng mến. Nó nói:
- Vậy mà lúc đầu Nga cứ tưởng anh phải nghịch phá ghê lắm, bạn bè mới đặt cho anh cái biệt danh… dễ sợ như thế chứ!
Quỳnh mỉm cười:
- Đâu có!
Anh lặp lại câu nói vừa rồi với vẻ hiền lành.
Đúng lúc đó, Hạnh bước vào. Nó đặt cặp lên bàn một cái “oách” và liếc Quỳnh:
- Quỳnh biết chuyện gì xảy ra mấy ngày nay chưa?
Câu hỏi đột ngột của Hạnh khiến Quỳnh giật thót. Anh chợt nghĩ đến Luận. Chắc là nó lại rêu rao gì đây. Anh nhìn Hạnh, hồi hộp:
- Chưa! Chuyện gì vậy?
- Chuyện này nè!
Vừa nói, Hạnh vừa cầm lấy cạnh bàn lay lay. Cái bàn lắc lư, chao qua chao lại. Thấy vậy, Quỳnh thở phào:
- Giờ thì biết rồi!
Hạnh nheo nheo mắt, cười nói:
- Ngày mai Quỳnh nhớ đem “đồ nghề” theo nghen!
- Ừ.
Nga ngồi ở giữa, nghe hai người nói qua nói lại, chẳng hiểu mô tê gì cả. Nó quay sang Quỳnh, khều nhẹ:
- Chuyện gì vậy?
- Chuyện gì đâu?
- Chuyện anh và Hạnh nói với nhau nãy giờ đó!
- À, cái bàn của mình bị long chân. Hạnh bảo tôi ngày mai đem búa đinh theo đóng lại.
Nga tròn mắt:
- Bộ nhà anh làm nghề mộc hả?
Quỳnh cười:
- Đóng lại cái chân bàn cần gì phải nghề mộc! Những chuyện lặt vặt như vầy, tôi làm hoài!
Ngày hôm sau, Nga thấy Quỳnh không ôm cặp như thường lệ. Anh đeo trên vai một cái túi bằng vải dày.
Quỳnh bước vào lớp, đặt cái túi xuống trước mặt Nga và sau khi lấy tập vở nhét vào ngăn bàn, anh lôi từ trong túi ra một cây búa cũ xì và một bó đinh lớn. Xong, anh khom người xuống và trong tư thế nửa quỳ nửa ngồi, anh bắt đầu đóng lại chân bàn.
Tiếng búa “lộp cộp” vang lên khiến những đứa đi học sớm quay đầu lại dòm. Và chẳng mấy chốc, cả một đám đông hiếu kỳ xúm lại quanh Quỳnh.
- Chà, hôm nay thằng quỷ nhỏ lại đóng vai thợ mộc, tụi mày ơi! – Một đứa la lên.
- Trời, coi nó đóng đinh kìa! Trông thiện nghệ làm sao! – Một đứa khác xuýt xoa.
Lại một giọng khác vang lên, giọng này “thực tế” hơn:
- Lát nữa mày sửa giùm cái chân bàn của tụi tao chút nghen, thằng quỷ nhỏ!
Cái giọng “dụ khị” này lập tức được nhiều đứa hưởng ứng. Cả bọn nhao nhao hùa theo:
- Cái bàn của tao cũng vậy, lát mày đóng giùm nghen!
- Cả cái bàn của tao nữa!
Quỳnh không nói không rằng, anh mi’m môi nện mạnh những nhát búa. Sau khi gõ “cồm cộp” một hồi, Quỳnh cầm cạnh bàn lay thử. Thấy cái bàn đã vững chắc, mặt bàn không còn đưa qua đưa lại, Quỳnh vươn vai, thở một hơi dài nhẹ nhõm. Rồi vừa thu dọn những cây đinh vương vãi, anh vừa nhìn quanh, hỏi:
- Đóng cái bàn nào nữa đây?
Lập tức ba, bốn đứa níu tay anh:
-
Đây nè! Cái bàn này nè!
- Sửa cái bàn của tao trước!
- Tao trước! Tao nhờ ngay từ đầu!
- Dẹp mày đi! Tao mới là người nhờ đầu tiên!
Trước sự dành giựt của bạn bè, Quỳnh mỉm cười:
- Đóng cái nào trước cũng được!
Nói xong, Quỳnh bước qua bàn bên cạnh. Anh lại cầm lấy chân bàn lay lay rồi ngồi xuống lắp lại những phiến gỗ và vung búa nện chan chát.
Vòng tròn bu quanh mỗi lúc một đông. Chúng vừa chăm chú ngắm Quỳnh làm vừa chuyện trò ầm ĩ, nhốn nháo.
Có đứa lên giọng thầy đời dạy bảo:
- Đặt cây đinh lên cao một chút! Thế, đóng thật mạnh vào!
Đứa mới tới thì tiếp tục “đặt hàng”:
- Còn cái bàn của tao nữa đó nghen!
Cũng có những đứa buông lời chọc ghẹo:
- Mày vừa đóng đinh vừa vẫy tai lừa được không, thằng quỷ nhỏ ?
Giữa những lời xì xào chung quanh, Quỳnh vẫn im như thóc. Anh lặng lẽ thực hiện công việc của mình.
Khi Quỳnh đóng đến cái bàn thứ tư thì tiếng chuông vào lớp đột ngột vang lên. Vòng tròn chung quanh lập tức giãn ra. Cả lớp lục đục ùa ra sân xếp hàng. Quỳnh cầm lấy bó đinh và chiếc búa đi về chỗ ngồi.
- Còn cái bàn của tao nữa! – Một đứa hốt hoảng kêu.
Quỳnh quay lại:
- Để lát nữa tao đóng!
Đó là cái bàn long chân cuối cùng trong lớp. Quỳnh tính đợi đến giờ ra chơi sẽ đóng giúp lại cho bạn bè. Nhưng khi tiết học đầu tiên đã trôi qua khoảng mười phút mà cô Trang dạy tiết địa lý thứ hai vẫn chưa tới, cả lớp bắt đầu nhốn nháo:
- Chắc hôm nay lớp mình được nghỉ tiết thứ hai!
- Cô Trang hôm nay nghỉ dạy rồi!
- Nghe nói cô bị bệnh!
- Xạo đi mày!
- Thì tao nghe nói như vậy!
- Ai nói?
- Tao không nhớ.
Đúng lúc đó, Hạnh đứng lên:
- Các bạn giữ trật tự đi! Để tôi lên văn phòng hỏi xem!
Hạnh vừa bước ra khỏi cửa, đám bạn ngồi ở dãy bàn thứ ba quay lại gọi Quỳnh:
- Thằng quỷ nhỏ!
- Quỳnh ngước lên:
- Gì vậy?
- Lại đóng giùm cái bàn đi! Khi nãy mày đã hứa rồi.
Quỳnh nhăn mặt:
- Lát nữa đi! Đang giờ học làm sao đóng được!
- Học đâu mà học! Cô Trang nghỉ rồi! Lẹ lên!
Trước sự hối thúc của đám bạn, Quỳnh chẳng biết làm sao từ chối. Anh đành xách “đồ nghề” lên ngồi đóng.
Và cũng giống như lúc nãy, khi Quỳnh bắt đầu cầm búa lên, bốn, năm đứa lập tức xúm xít chung quanh, lần này có cả Luận.
Luận ngồi thụp xuống bên cạnh Quỳnh, giọng oang oang:
- Chà, nó đóng đinh mới tài làm sao!
Hai, ba đứa hùa theo:
- Nó mà làm nghề mộc