52. Tôi Hối Hận
Mẹ tôi chỉ nói thế thôi chứ tôi biết con Cu Cậu sẽ mãi mãi không về. Nó đã nằm trong nồi cháo của ông Năm Ve, sau đó đã chui vô bụng thằng Dưa. Nó sẽ không bao giờ quay về với em tôi nữa.
Thằng Tường không biết tường tận như tôi nhưng sau ba ngày thì nó đã linh cảm rằng nó sẽ không còn dịp gặp lại con Cu Cậu nữa.
Kể từ lúc đó, Tường giống như kẻ bị nỗi buồn đánh gục. Nó không còn là đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát như mọi ngày. Nó cũng chẳng buồn rủ rỉ rù rì với con Mận.
Nhiều lúc tôi bắt gặp nó ngồi khóc thầm một mình ở sau hè, với chiếc vỉ đập ruồi để trước mặt và con Mận ngồi buồn xo cách đó một quãng.
Lúc này ông Cả Hớn đã dọn về ở nhà con Mận. Ông vừa xây lại nhà sau khi ngôi nhà cũ bị sập, bây giờ ông bán ngôi nhà mới xây cho ông Bé hàng xóm để ông này dỡ nhà lấy đất chồng rau và xây chuồng trại.
Bán được nhà, ông Cả Hớn vay thêm tiền để mua nhà con Mận. Từ khi biết tin ba con Mận còn sống, những mẩu xương cháy khét trên căn gác không phải là xương người, nhà con Mận tự nhiên được giá. Vì nhà nó nằm ngay đường lộ, thuận tiện cho việc làm ăn buôn bán.
Tôi liếc con Mận, không hiểu nó buồn vì ngôi nhà ấu thơ của nó bây giờ đã qua tay người khác hay buồn vì thằng Tường buồn.
Tôi bước lại, ngập ngừng ngồi xuống cạnh Tường. Tôi định an ủi nó nhưng chớp mở lời tôi lại phân vân, cảm thấy bất cứ câu gì tôi nói ra vào lúc này cũng gắn với sự dối trá.
Thực sự thì tôi không nghĩ em tôi lại buồn đến vậy. Và tôi có thể nói mà không sợ trời sập xuống đầu rằng tôi vô cùng hối hận trước vẻ mất mát và đau đớn của nó và diều đó khiến tôi tự nguyền rủa mình suốt mấy ngày liền.
Tường cũng không nói gì, dù nó biết tôi vừa ngồi xuống cạnh nó. Đầu cúi gằm, cằm tì vào xương ức, chỉ thêm bầu trời sà xuống trên vai, nó sẽ giống hệt bức tranh thần Atlas bị phạt tôi từng nhìn thấy trong các cuốn truyện cổ tích nó hay đọc.
Hai anh em ngồi bất động bên nhau lâu thật lâu. Cuối cùng, tôi mấp máy môi:
- Đừng buồn nữa, em! Ít hôm nữa thôi, con Cu Cậu sẽ quay về!
Tôi nhận ra tôi vừa gọi Tường bằng “em”, hoàn toàn không cố ý, giọng mềm hẳn đi.
- Nó không quay về đâu, anh Hai. – Tường cựa quậy vai và hông, ánh mắt vẫn bị cột chặt vào chiếc vỉ đập ruồi trước mặt.
- Sao em biết?
- Em vừa gặp thằng Dưa. Nó khoe hôm trước ba nó bắt được một con cóc ở nhà mình.
Tường thổn thức đáp, giọng nó cất lên từ chỗ nào đó lơ lửng giữa đầu và ngực, nghe nghèn nghẹt, và tuy nó cúi gằm đầu tôi vẫn thấy nước mắt đã lại ứa ra trên mặt nó.
- Lúc đó nhà mình không có ai à? – Tôi vờ hỏi, tim đập thình thịch, phải rất khó khăn tôi mới không để mình nhảy bắn lên.
- Chắc vậy. Nếu lúc đó có mẹ, anh, em hay chị Mận ở nhà, chắc con Cu Cậu đã không gặp nạn.
Tôi nhè nhẹ thở ra khi nghe Tường liệt tôi trong số những người có thể cứu con Cu Cậu khỏi sự bất trắc của số phận. Chắc ông Năm Ve chỉ kể qua loa, không nhắc đến tôi trong câu chuyện của ông! Tôi nhủ bụng, và quyết định đóng lại bí mật này. Mãi mãi.
53. Lũ Về
Trước hôm trò chuyện với thằng Tường, tôi có nghĩ đến chuyện mò mẫm các bờ ruộng bắt một con cóc khác rồi lén lút bỏ vào gầm giường. Tôi sẽ nói với em tôi rằng con Cu Cậu rốt cuộc đã trở về, mặc dù tôi không chắc âm mưu của tôi có bị nó phát hiện hay không.
Nhưng bây giờ ý tưởng đó đã được gỡ khỏi đầu tôi. Tường đã biết con Cu Cậu không còn trên cõi đời này nữa, tôi không thể gạt nó được.
Trong khi tôi chưa biết làm cách nào để chuộc lại lỗi lầm của mình thì mưa lũ đột ngột kéo về làng. Rồi nhiều biến cố liên tiếp xảy ra khiến thằng Tường không còn thời gian và tâm trí để tắm mình trong nỗi buồn Cu Cậu và tôi thực sự sung sướng vì điều đó.
Những ngày đó, ngoài trời mây đen xuống thấp gầ chạm nóc ngôi nhà thờ duy nhất trong làng. Gió đong đầy hơi nước, báo hiệu lũ sắp về. Làng tôi, lũ tháng bảy, tháng mười, năm nay ve sầu vừa kéo đàn mà trời đã muốn sa mưa.
Năm ngoái, năm kia mưa lũ cũng bất thường như thế. Ba tôi bảo đó là do khí hậu trái đất thay đổi và do thời gian gần đây rừng thượng nguồn bị tàn phá không thương tiếc.
Chiều chiều tôi ngồi trong nhà ngó ra, thấy mây tụ lại từng bầy. Như đội quân đang điểm binh, mây kéo về tập hợp mỗi ngày một dày, chậm rãi nhưng quyết liệt, và khi đã giăng kín bầu trời với lượng nước ước chừng có thể làm trôi cả ngôi làng, mưa bắt đầu rơi.
Buổi sáng mưa rơi tí tách, đến gần trưa bỗng vỡ òa như bầu trời đột ngột bị thủng. Suốt từ trưa đến tối, mưa chạy rầm rập trên mái tranh, nước dột tứ tung khiến nhà tôi không ai chợp mắt. Mẹ tôi, tôi, thằng Tường và con Mận gần như bới tung cả nhà để lôi ra bất cứ thứ gì có thể hứng nước mưa từ mái nhà liên tục rót xuống: thùng thiếc, thau nhôm, ca nhựa, gáo dừa, gàu, nồi, chảo, ấm, cả những chiếc bát vỡ.
Mưa như người giận dai, gầm gừ, xối xả và miên man, có cảm giác mây đen đã kéo cả đại dương lên trời để bây giờ hả hê trút xuống.
Nửa khuya, lũ từ trên nguồn tràn về, mực nước từ từ dâng lên mấp mé mặt giường trong ánh mắt lo lắng của mẹ tôi. Cả nhà tôi leo hết lên giường, xách theo mấy chiếc đòn kê để ngồi cho khỏi ướt mông, co ro chờ trời sáng.
Rất may, lũ chỉ quét qua một đêm, sáng hôm sau mưa ngớt, nước bắt đầu rút dần để lại mặt đường nhớp nháp và sạt lở, và vô số rác rến, gỗ mục, xác súc vật vướng vào các gốc cây, vách nhà và hàng rào. Cảnh vật sau khi lũ đi qua trông hoang tàn như một phim trường vừa quay xong cảnh chiến tranh.
Đến trưa thì cuộc tổng kết thiệt hại đã có kết quả: ông Tư Cang trôi mất một con trâu, ông Năm Ve chết một con heo ngay trong chuồng, nhà cô Thoan chái bếp bị cuốn, còn vườn rau tốt tươi nhà ông Bé thì bây giờ đã rất thích hợp để làm sân vận động cho con nít đá banh.
Nhưng tai họa lớn nhất là chiếc cầu bắc ngang qua suối Lồ Ồ đã bị lũ giật sập: nữa chiếc cầu còn lại một đầu dính trên mố cầu đầu kia chúi xuống nước như người té suối bị kẹt chận, nửa chiếc kia chẳng rõ trôi đi đâu.
54. Cuộc Tra Hỏi
Đó chỉ là những thiệt hạ về của.
Thiệt hại về người mới làm rúng động cả làng.
Thằng Dưa con ông Năm Ve đi đâu cũng bô bô chính mắt nó nhìn thấy chị Vinh bị lũ cuốn trôi. Nó bảo nó ra sau hè đi tiểu, thấy chị Vinh ngụp lặn giữa dòng nước xiết, nó kêu cứu inh ỏi nhưng gió thổi lồng lộng không ai nghe thấy. Nó tính chạy vào nhà kêu ba nó ra, vừa ngoảnh tới ngoảnh lui đã thấy chị Vinh trôi xa tít, chỉ còn là một chấm nhỏ ở cuối cánh đồng.
Chẳng biết thằng Dưa có bịa chuyện không nhưng chị Vinh mất tích sau cơn lũ là chuyện thật. Từ trưa đến tối, nhà chị Vinh tiếng khóc như ri.
Thầy Nh ãn qua nhà ông Năm Ve gạn hỏi thằng Dưa, người lớn con nít bu xem đông như kiến.
Tôi, thằng Tường, con Mận cũng hăng hái góp phần vào đám đầu cổ lố nhố, chen chúc nghe thằng Dưa kể lại câu chuyện mà thực ra cả làng ai cũng đã thuộc lòng.
Ông Năm Ve ngồi tréo chân, tư thế cho biết ông cảm thấy mình đột nhiên trở thành nhân vật quan trọng. Lướt mắt qua đám đông một vòng rồi quay nhìn thằng Dưa đang đứng khoanh tay trước mặt, ông thình lình đập bàn đánh “rầm” khiến đám con nít đứng gần giật bắn mình, cất giọng nghiêm nghị:
- Thầy hỏi gì con phải đáp cho đàng hoàng nghe chưa!
- Dạ.
- Phải nói thật, không được thêm bớt nghe chưa!
Thằng Dưa lại “dạ”, mặt như tờ giấy trắng, có lẽ nó không ngờ chỉ vì tình cờ chứng kiến cảnh chị Vinh bị nước cuốn mà nó bỗng trở thành tội phạm.
Tiếng xì xào lập tức im bặt khi thầy Nhãn bắt đầu cuộc chất vấn:
- Con nhìn thấy chị Vinh lúc mấy giờ hả con?
- Dạ, con không biết. Nhà con không có đồng hồ.
- Lúc đó là buổi sáng hay buổi trưa?
- Dạ, buổi sáng. Sáng sớm con hay ra sau hè đi tiểu.
Câu trả lời thật thà của thằng Dưa khiến đám trẻ con đứng chung quanh giống như bị cù. Những tiếng cười hí hí vang lên làm buổi hỏi cung đột nhiên mất hết vẻ nghiêm trang.
Thầy Nh ãn đanh mặt lại, ý là dùng vẻ uy nghiêm để vãn hồi trật tự nhưng tụi con nít dù đưa tay bụm miệng, những tràng rinh rích như chuột rúc vẫn phát ra đằng sau các kẽ tay.
Ông Năm Ve sau khi ra oai bằng cách nạt thằng con, bây giờ lôi thuốc rê trong túi áo ra, thong thả quấn, y như một người vô can.
Thầy Nh ãn hỏi thêm vài câu nữa, vẫn chẳng phát hiện ra điều gì bất thường trong những câu trả lời của thằng Dưa, mặt thầy đột ngột nhàu đi và lưng thầy sụp xuống khiến người thầy trông như ngắn đi một khúc.
Lòng nặng nề, tôi kéo tay thằng Tường và con Mận, lôi hai đứa ra khỏi đám đông:
- Về thôi!
Mắt thằng Tường ửng đỏ:
- Thế chị Vinh chết thật rồi hở anh?
- Chết sao được mà chết! Biết đâu khi chị Vinh trôi xuống dưới kia lại có người cứu!
Tôi nạt tthằng Tường nhưng lại nghe sống mũi cay cay, liền quay mặt đi.
Đúng lúc đó, tôi nhìn thấy chú Đàn.
55. Điệu Nhạc Vui
Chú Đàn đứng lẫn trong đám người bu quanh nhà ông Năm Ve. Chú đứng tuốt sau cùng cólẽvìsợthầy< nên lúc nãy tôi không nhìn thấy chú.
Như có linh tính, chú thình lình ngoảnh mặt về phía tôi và khi thấy tôi định chạy lại phía chú, chú vội vã khoát tay ra hiệu cho tôi về nhà trước.
Tối đó, chú Đàn qua chơi.
Tôi cố tìm ở chú bộ mặt người ta vẫn thường đeo trong đám tang nhưng trông chú không có vẻ gì buồn bã.
Chú ngồi trên thềm giếng, ngẩn nhìn bóng trăng mờ nấp sau sương mù và lôi cây acmônica ra thổi.
Tiếng kèn của chú bữa nay hoàn toàn không giống tiếng kèn nỉ non ngày nào.
Tôi ngạc nhiên khi nghe chú thổi một bản hành khúc có âm điệu vui tươi:
- Sao chú thổi bài này?
Chú Đàn nhét cây kèn vô túi áo, vui vẻ nói:
- Chú sắp đi tìm chị Vinh.
Tường níu tay chú, mừng rỡ:
- Chị Vinh còn sống hả chú?
- Chú đoán vậy. – Chú Đàn ôm vai Tường – Chị Vinh có phúc tướng, thế nào cũng có người cứu.
Con Mận vọt miệng:
- Hồi chiều bạn Thiều cũng nói y như chú.
Chú Đàn cúi sát đầu vào ba đứa tôi, hạ giọng:
- Đây là chuyện bí mật, tụi con không được nói cho ai biết nghe chưa!
Ba đứa tôi cùng “dạ” và không nghĩ chú Đàn lại bỏ nhà ra đi ngay khuya hôm đó.
Sáng vừa mở mắt, chưa kịp chui ra khỏi mền, tôi đã nghe tiếng bà hỏi mẹ tôi, chắc bà qua nhà tôi từ sớm:
- Con có biết thằng Đàn đi đâu không?
- Dạ không. Tối hôm qua chú Đàn có ghé nhà con nhưng con không nghe chú nói gì hết.
Bà tôi lại hỏi:
- Mấy đứa nhỏ ngủ dậy chưa?
Thằng Tường bấm tôi:
- Chết rồi. Lát bà hỏi mình nói sao, anh Hai?
Tôi đáp, sau một hồi nghĩ ngợi:
- Cứ nói thật cho bà biết.
- Chú Đàn dặn mình đừng nói mà.
- Nhưng nếu mình không nói, bà sẽ lo lắng.
Sợ thằng Tường phản đối, tôi chép miệng:
- Tao nghĩ chú Đàn không muốn bà lo lắng đâu.
Trán bà tôi dãn ra khi nghe tôi và thằng Tường thuật lại những gì chú Đàn nói.
Nhưng liền sau đó bà lại nhăn mặt:
- Thằng khỉ! Lũ đã cuốn làm sao sống được mà tìm!
56. Thầy Nhãn Qua Nhà Tôi
Hôm sau tới lượt thầy Nhãn qua nhà tôi.
Tay cầm cây roi mây, thầy quát ngay từ ngoài cổng:
- Thằng Đàn đâu?
Mẹ tôi bước ra, lễ phép:
- Chào thầy.
Tôi, thằng Tường và con Mận theo cửa bếp xô nhau chạy ra sau hè, nấp chỗ chuồng gà len lén nhìn vô.
Trong ba đứa, thằng Tường chạy nhanh nhất. Nó chưa quên lần chạm trán với thầy Nhãn hôm nào.
Tôi trông rõ bộ mặt hầm hầm của thầy Nhãn bên kia bức vách. Thầy hỏi mẹ tôi bằng giọng gay gắt:
- Chị biết thằng Đàn dẫn con Vinh trốn đi đâu không?
Mẹ tôi ngẩn ra:
- Tôi nghe nói cháu Vinh bị nước cuốn mà, thầy.
- Cuốn cái…
Thầy Nh ãn tức giận đến mức quên mất thầy đang làm thầy, suýt nữa văng tục. Phút chót, sực nhớ ra đang nói chuyện với mẹ tôi, thầy kịp nắn lại câu nói:
- Cuốn cái… gì mà cuốn! Nước cuốn con Vinh hôm trước,