Trung Dũng nhăn mặt, với anh Nam Giao lại là hạt cát bay vào mắt, chiếc dầm đâm vào tay, hạ
hạt sạn lẫn trong cơm. Nhỏ bé, khó chịu, nhoi nhói nhưng hữu hiệu khi nhắc người ta nhớ đến. Không phải vô ý Nam Giao chọn nơi này − chỉ cách nhà anh vài con phố để chắc chắn khoảng cách không thể là trở ngại. Nó chẳng có ý nghĩa là khi khoảng cách ở trong lòng anh.
Quên cả cảm ơn, quên cả chào, Trung Dũng chui vào xe. Khối sắt thép này đã trôi mấy vòng thành phố trước khi đến đây. Mưa như túi nước khổng lồ đổ ụp lên vạn vật khiến mọt thứ lạnh giá, ẩm ướt, teo tóp một cách thảm hại. Đôi mắt cô lẫn vào đôi mắt Phương Đàn − rất khó phân biệt − in đậm lên ký ức Trung Dũng như dấu sắt nung đỏ. Dấu sắt ấy khiến tư duy anh không còn mạch lạc. Trung Dũng không phân tích nổi lòng mình khi điều duy nhất thôi thúc anh lúc này là được nhìn thấy cô. Ước muốn đậm dần lên thành mệnh lệnh và chiếc xe lao vút đi. Trung Dũng cười khan với ý nghĩ − giờ cái máy chạy bằng rượu đang điều khiển cái máy chạy bằng xăng.
Khồi mâu thuẫn trong anh như những sợi thừng nén chặt, rối bời sẽ được tháo ra từng nút nếu Trung Dũng bước khỏi xe gõ vào cánh cửa im ỉm, nhưng anh chỉ nhìn chúng từ xa trong bóng tối. Đây là nơi đầu tiên anh gặp Nam Giao. Trung Dũng không thể quên cái nhìn của cô hướng về anh. Trong bóng đêm nhập nhoạng, đôi mắt sáng như hai vì sao đi lạc, long lanh cầu khẩn như ánh mắt của con thú nhỏ nhìn người thợ săn. Trung Dũng nhè nhẹ gật đầu. Chuyện anh trai cô không bao giờ trở về đã là sự thật hiển nhiên nhưng cái gật đầu xác nhận của người đàn ông khiến Nam Giao ngã gục. Cô nấc lên, mắt ráo hoảnh nhưng toàn thân run bần bật như người không hụt chân mà rơi tõm xuống đáy vực, như người chèo chống trong cơn bão tố mà không thấy gió, vùng vẫy trong đám cháy nóng như thiêu mà không thấy lửa.
Với Trung Dũng, anh cảm thấy đau đớn khi người phụ nữ mỏng manh, yếu đuối nhanh chóng nhận ra và hiểu thấu phần nội dung mà anh mong mình không phải giải thích. Gió thổi vào lòng tơi bời khi Trung Dũng rộng tay đón lấy thân hình mảnh dẻ của Nam Giao. Anh nhớ như in chiếc áo cô mặc trên người. Khi chọn cho Nam Giao, Phương Đàn chắc chắn với anh đây là màu áo của cô bé Meggie gặp cha Ralph sau đám cháy và họ nhận diện được tình yêu dành cho nhau − màu tro của hoa hồng. Dẫu tro của hoa hồng vẫn là tro. Sao tình cảm trong anh không bùng cháy mà nguội dần như đám tro ấy. Sao anh không dung vòng tay và tấm lòng mở rộng để bao dung, che chở cô. Sao anh không thể? Giờ Trung Dũng vẫn thấy mình không thể. Trong anh chỉ còn đốm lửa nhỏ nhoi từ ngọn nến cháy phập phồng tỏa ra chút ánh sáng yếu ớt của lòng trắc ẩn. Một cách chua chat, anh nhún vai, cuộc đời vẫn có nhiều thứ không thể cứu vãn được và đây là một trong số đó.
Sự thật hết sức đơn giản, bên trong quả thị là hạt thị, chẳng có cô Tấm nào cả. Trên cao, trăng chia sẻ nỗi niềm cùng anh vì thế trăng cũng hao gầy, xanh xao và lạnh buốt.
Chương 7
Ads Có tiếng gõ cửa rất nhẹ, không quay lại Trung Dũng vẫn nhận ra viên trợ lý của mình. Người phụ nữ có dáng vẻ rón rén, tinh anh, mềm mại và khôn ngoan của loài mèo. Thời gian học ở Đức, đám sinh viên nước ngoài kháo nhau như thế. Mặc kệ cái lũ lắm điều, dở hơi, chơi nhiều hơn học ấy, hằng ngày, Mẫn Nhi kênh kiệu đi lướt qua chúng nó, hoc lướt qua chúng nó. Từ chối lời cầu hôn của vị giáo sư nổi tiếng người Mỹ và chiếc thẻ xanh − Green Card − vốn hấp dẫn với không ít cô gái khao khát cuộc sống xứ người, Nhi về nước.
Không tìm được công việc hợp với chuyên môn, chị chuyển sang kinh doanh và thường cười cợt khi có ai hỏi đến: “Nếu tôi không thể làm những việc vĩ đại thì tôi sẽ làm những việc nhỏ một cách vĩ đại”. Việc nhỏ và vĩ đại của Mẫn Nhi là sau thời gian dài làm đối tác, chị sang lại cơ sở cho Trung Dũng và nhận chân trợ lý. Ai cũng bảo Nhi dại nhưng chỉ anh hiểu Nhi vẫn đau đáu nhớ về công việc yêu thích và vị giáo sư đáng kính ấy. Trong chừng mực nào đó, Trung Dũng hiểu và cảm phục người bạn kém tuổi hơn nhưng lúc nào cũng rướn lên để ngang tầm cân sức với người khác. Chỉ cần gật đầu Nhi sẽ có tất cả nhưng đầu óc kiểu Mỹ đã vận vào cả lời cầu hôn bằng một mệnh đề thực dụng “Nếu em… thì tôi”. Chị cảm thấy như mình bị lừa một vố thật nặng − vét sạch một cú trắng tay. Tung hê tất cả, chị về nước. Bạn bè bảo Nhi dại, tội gì phải thế. Mỹ mà! Thay vì giải thích dông dài rằng chị muốn trả lại cho tình yêu sự trong sạch, vô tư, bình đẳng, không vụ lợi, Nhi chỉ cười “Dàn giao hưởng cũng có thính giả của nó chứ, lo gì”.
− Chưa về à?
− Đang định về đây. Cuộc hẹn ngày mai thế nào?
− Vẫn vậy.
− Anh có nghĩ chúng ta sẽ thành công không?
Trung Dũng quay lại:
− Tất nhiên là có vì lần này do Nhi chủ trì mà.
− Tôi chủ trì thì có gì khác?
− Sao lại không? Vì đàn ông vốn rất thiên vị phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ xinh đẹp.
Nhi bật cười:
− Anh đang nói đến vị trưởng đoàn phải không? Theo kinh nghiệm của tôi, nên cẩn thận với những gã đàn ông nhỏ con vì một người nhỏ con phải thông minh hơn mới có thể tồn tại được, bằng này ông ta lại là một người rất thành đạt nữa đấy.
Trung Dũng ngồi xuống, ánh mắt đượm vẻ giễu cợt:
− Vì cuộc sống không ưu đãi bất kì ai cho nên biết cách tận dụng ưu thế của mình có gì sai? Có vặn đầu bẻ cổ ai đâu, chúng ta chỉ dung một chút thủ thuật để làm trơn các bánh xe mà thôi.
Mẫn Nhi vẫn tiếp tục câu chuyện theo hướng cũ, làm như không nhận ra Trung Dũng đang nói đến một người khác, một việc khác. Đã khá lâu không thấy cô ấy đến. Vị khách có đôi mắt biết nói.
− Lắm lúc tôi cứ nghĩ lẩn thẩn về mình. Mới mấy chục tuổi đầu mà đầu óc đã quanh quẩn những đường ngang, nẻo dọc như mụ già bần tiện, nhưng xem ra tôi không phải là người duy nhất như thế.
Như sực tỉnh, Trung Dũng cười gượng gạo:
− Tôi chỉ đùa.
− Tôi cũng thế
− Uống gì không?
− Không. Tôi về đây. Tôi còn nhiều việc phải làm lắm.− Nhi cười khi nhớ đến người đàn ông thấp bé có ánh mắt sắc nhọn và vầng trán hói như quả trứng luôn bóng nhẫy mồ hôi − Thú thật là tôi cũng nhìn thấy vài ánh mắt, vài cử chỉ thân thiện nhưng tôi không lạc quan đến nỗi tin rằng chỉ dựa vào ánh mắt và vài cử chỉ thiện cảm tôi có thể xoay chuyển được tình thế.
Ra đến cửa, chị khựng lại nhưng vừa nhớ ra:
− À, tuần trước anh có một thư báo. Tôi bảo thư kí để vào hồ sơ bên tay trái. Tôi nghĩ anh vẫn chưa xem qua.
Phía tay trái là “Trình xem”. Chỗ của những thứ không vội và ít quan trọng nhưng thái độ của Mẫn Nhi có vẻ lạ nên Trung Dũng chú ý. Trái với bề ngoài thản nhiên, anh gật:
− Hình như thế. Cảm ơn Nhi, tôi sẽ xem ngay.
Không phải chỉ tính hiếu kỳ muốn mục kích phản ứng của Trung Dũng giữ Mẫn Nhi đứng đấy mà vì anh nói như thể anh đã đọc qua loa, hờ hững như thể anh đọc tờ báo lá cải nhàu nhĩ nào đấy vớ được trong tiệm cắt tóc vậy. Để rồi xem, Nhi cười. Một cách cố ý, nụ cười được đúc bằng vẻ bí ẩn, tinh ranh của một tay tình báo mới vào nghề. Trung Dũng nghĩ thầm, mấy gã thất tình quả không sai khi nói rằng người ohụ nữ này giấu sự khôn ngoan bên dưới những móng vuốt.
Như cái máy, Trung Dũng lật ngang lật dọc tờ giấy cố tìm lời giải đáp đằng sau những con số. Từng con số nhảy múa và gương mặt Nam Giao hiện ra. Anh lao xuống nhà thật nhanh. Nhanh hơn cả sự bàng hoàng của chính mình.
Khoảng tối nhấp nhô khập khiễng trong lòng biến con đường bằng phẳng thành đồi cao, vách dựng, núi lô xô. Trung Dũng vượt qua khoảng tối ấy bằng sự lo lắng, linh cảm, khao khát và cả những tình cảm được đánh thức sau giấc ngủ ngộ nhận kéo dài.
Đứng hiền lành trong quầng sáng màu vàng nhạt, ngôi nhà như chốn bình yên, độ lượng dang tay đón vị khách kênh kiệu − chưa một lần bước vào với tấm lòng rộng mở, bao dung.
Trung Dũng dự đoán nhiều tình huống, nhưng tình huống anh gặp lại không có trong dự đoán. Đôi mắt lạ thẩm định anh qua lằn cửa he hé. Dường như nhận được dấu hiệu tốt lành, lương thiện nên mở rộng hơn. Lần này lộ cả gương mặt − gương mặt phụ nữ nôn nóng chỉ chực nói với người đối diện rằng − anh đang làm một việc vô ích.
− Tôi muốn gặp Nam Giao.
− Cô ấy không còn ở đây nữa. Tôi đã mua ngôi nhà này.
Đột nhiên người Trung Dũng lạnh toát − không phải vì những làn gió quật ràn rạt vào người mà là cái lạnh từ bên trong. Cái lạnh thấu xương tỏa ra từ nỗi bất an thấm vào cỏ thể khiến Trung Dũng không nghe được âm thanh của chính mình.
− Chị có biết họ chuyển đến đâu không?
− Không. Tôi không nghe cô ấy nói.
− …………
− Nhưng có nhiều thứ vẫn còn gửi lại đây. Nếu Nam Giao quay lại, tôi sẽ bảo có anh đến. Cô ấy biết tìm anh ở đâu, phải không?
Trong ngăn kéo của ký ức, hình ảnh cuối cùng anh nhớ về cô là mảnh lưng gầy hình chữ l, rướn người theo vòng quay của bánh xe rồi hòa vào đám đông. Giờ đây cảm giác không bao giờ tìm thấy cô trong cái dòng chảy không ngừng ấy khiến anh sợ hãi. Vẻ kỳ lạ của Trung Dũng khiến người phụ nữ ái ngại.
− Rất tiếc, không thể giúp được anh.
− Họ đã đi bao lâu rồi ạ?
− Đã hơn một tháng.
Trung Dũng gượng gạo:
− Cám ơn chị.
− Chào anh.
Chương 8
Ads Tự nhiên, lúc này hình ảnh ngôi nhà thờ nhìn qua ô cửa ký túc xá hiện rõ trong anh. Trầm mặc, hiền lành với cái tháp chuông cổ kính, với những con bồ câu chọn mái vòm rêu phong làm nơi trú ngụ mà thức ăn của chúng phụ thuộc vào quốc tịch cuả những du học sinh lân cận − những kẻ thò đầu qua ô cửa rảy vài hạt cơm nguội, mẩu bánh mì vụn, khoai tây nghiền và cả mì spaghetti. Thoạt tiên là làm một cách tùy hứng với hảo tâm lúc trồi lúc sụt. Dần dần khi những chú bồ câu bắt được gốc thì mối quan hệ được thiết lập một cách rõ ràng. Anh dễ dàng nhận ra con nào là của gã người Phi hiền lành nhưng có thân hình hù dọa − lực lưỡng và đen bóng; con nào là của cô gái đến từ Madagasca; của những gã Bắc Phi da sáng nói tiếng Ả Rập, của người phụ nữ Thụy Điển có mái tóc vàng óng… Vắng vài hôm đã lo ngại chú bồ câu vẫn nhảy nhót, thích thú mỗi khi đón những hạt cơm khô không khốc từ tay anh, bị đói. Đến mùa đông, tuyết rơi dày trên mái vòm, lũ bồ câu rủ nhau biến mất và trở về vào mùa xuân khi những sợi nắng phủ đầy trên tháp chuông − ríu rít, mừng rỡ, mỗ cả vào cửa kính để vòi thức ăn. Lần đầu tiên trông thấy cảnh ấy, Trung Dũng không khỏi thốt lên kinh ngạc: “Mày ở đâu vào mùa đông vậy? Làm thế nào mày trải qua mùa đông khắc nghiệt đến thế mà chẳng hề hấn gì cả? Vâng, chẳng hề hấn gì. Không có anh − chú bồ câu nhỏ bé ấy vẫn sống.
− À, lúc nãy tôi nghe anh gọi là họ khi nói đến Nam Giao. Chắc anh vẫn chưa biết, cô ấy chỉ đi một mình thôi.
Linh cảm − một thứ linh cảm xấu chuếnh choáng trong anh:
− Thế mẹ cô ấy?
− Bà qua đời cách đây vài tháng. Hình như là một căn bệnh nan y.
Đất dưới chân tụt xuống, hay định mệnh từ từ rut dây mà Trung Dũng thấy mình lửng lơ trên không trung như diễn viên xiếc không có lưới bảo hiểm bên dưới. Giọng van nài của cô vụt bên tai anh “Anh đừng nói gì cả nhé. Mẹ tôi sẽ chết mất thôi”. Bà nhìn anh, cái nhìn xuyên thấu tâm can khiến Trung Dũng thấy sợ. Trông bà mạnh mẽ hơn cả cô con gái đứng cạnh − dáng che chở, bảo vệ sẵn sàng thay mẹ gánh mọi bất trắc của cuộc đời − vừa rũ rượi trong vòng tay anh. “Cháu là bạn của Phương Đàn à? Thật quý hóa quá”. Với nụ cười lặn sâu trong mắt, với vẻ thâm trầm mềm mại, bà chưa bao giờ khiến anh phải băn khoăn, khó xử về những điều quanh co trong lòng. Thời gian và quãng đời vất vả chạy chợ trên bán chợ dưới, tần tảo nhặt nhạnh từng đồng nuôi con ăn học không làm phai cốt cách nhẹ nhàng, quý phái của người xuất thân từ dòng dõi trâm anh.
Chương 9
Ads Thỉnh thoảng, Trung Dũng bắt gặp ở bà ánh mắt bất chợt, dáng điệu thẫn thờ, câu nói nửa chừng − tất cả đều ẩn chứa ngôn ngữ riêng biệt thay lời nói và còn mạnh mẽ hơn lời nói. Nó khiến người đàn ông lý tính trong anh bất nhẫn khi che giấu sự thật. Với anh thà đau khổ còn hơn ngờ nghệch với những đau khổ của chính mình. Bà mạnh mẽ và trên hết là người mẹ, bà có quyền được biết − nhưng anh không thuyết phục được cô. Đôi khi cái nhìn của bà như gạn ý nghĩ ra khỏi người anh, vắt kiệt sự cố gắng của anh − như nhìn diễn viên tội nghiệp đang cố diễn tròn vai − vừa đau xót, vừa giễu cợt.
Trung Dũng thấy mình như con rõi trong sự điều khiển của ba người họ − bà, Phương Đàn, Nam Giao và bản năng tự bảo vệ khiến anh lẩn tránh.
− Anh có muốn vào nhà uống tách trà không?
− Không, cảm ơn chị.
− Anh đừng lo. Nếu Nam Giao quay lại, tôi sẽ nhắn có anh đến tìm… Cô ấy còn gửi lại đây rất nhiều vật dụng.
− À, tôi có thể biết chị trả bao nhiêu để mua ngôi nhà này không ạ?
Ngạc nhiên một chút, người phụ nữ đọc con số. Không còn lật qua lật lại nữa, lần này Trung Dũng nhìn sửng vào tờ giấy. Mắt không chớp. Ngực đau như nhận một quả thôi sơn. Gần như cả số tiền nằm ở đây. Cô đáp lễ anh đấy. Người đàn ông cười khan và bước đi. Dáng xiêu vẹo như hình nhân bằng giấy cắt ra từ ngọn đèn kéo quân.
Đường phố vẫn giữ nguyên gương mặt náo nhiệt. Anh cho xe rẽ vào con đường nhỏ ghé vào quán cà phê hôm nọ. Trông nó trang nhã, xinh xắn, ấm cúng khác xa cái vẻ bùi ngùi, nhàm chán của sự mưu sinh mà mưa gió khóac lên trong cái đêm mịt mùng ấy. Ngồi vào chỗ của cô, Trung Dũng gọi tách cà phê. Chạnh lòng nhớ Phương Đàn. Thưở các xưởng may chưa đóng cửa hoặc dời sang các nước Đông Âu vì thuế cao, Frankfurt đầy người Việt. Phương Đàn phụ trách kỹ thuật trông một hãng may lớn, chuyên jacket. Thỉnh thoảng cả hai rủ nhau đi uống cà phê. Có lần Phương Đàn nhắc đến Nam Giao “Mình tệ thật, chẳng biết con bé thích gì. Cứ vào quán là gọi ngay cà phê. Nó hay uống chực của mình”. Phương Đàn tính trầm lặng, khó hiểu nhưng tốt bụng, hay giúp đỡ. Anh đã dừng lại khi trông thấy cô gái da màu khóc ngất ở đồn cảnh sát. Susannah − bạn học cùng lớp với Trung Dũng − tập tễnh đi buôn và bị bắt trên phố cùng với mấy kịên hàng mà đối tác của cô bỏ của lấy người. Chỉ cần cảnh sát thông báp về trường, Susannah bị đuổi học ngay lập tức. Trong cơn hoảng loạn, cô gọi Trung Dũng. Không quen với tình huống này, anh đang nghĩ đến việc nhờ luật sư. Ngay lúc đó, Phương Đàn ngang qua và dừng lại.
− Cô gặp rắc rối với họ à? Tôi có vài người bạn ở đây. Nói xem tôi có thể giúp được gì.
Như vớ được phao, Susannah khóc lóc, kể lể. Phương Đàn nói tiếng Anh sệt giọng Mỹ nên không thể dựa vào lối nói đặc trưng của từng địa phương để biết gã là người Châu Á nào nhưng Trung Dũng tin chắc chắn là người Việt Nam. Chỉ có người Việt mới hay nghĩa hiệp theo kiểu “Thấy chuyện bất bằng” mà dân Tây rất dị ứng − như xọc mũi vào chuyện riêng của người khác. Thú thật, Trung Dũng không tin vào tài xoay sở vặt của mấy tay hợp tác lao động. Cảnh sát Đức cũng không mấy thiện cảm với loại lậu thuế, làm chui, bỏ trốn và hay biểu tình này.
Cuối cùng, cô gái mừng húm khi nhận lại giấy tờ. Với vẻ sợ hãi của người vừa thoát nạn, Susannah lắc đầu quầy quậy khi Phương Đàn bảo có thể lấy lại được hàng nếu cô chứng minh được nguồn gốc. Rời khỏi đồn cảnh sát dù mất sạch nhưng Susannah tươi tắn hẳn lên. Lúc này Trung Dũng lại thắc mắc không hiểu vì lẽ gì gã chịu giúp Susannah? Vì làn da