- Ờ. – Sơn gật đầu, mắt láo liên, giọng nó đột ngột vo ve khiến tôi gần như cụng tai vào miệng nó để nghe cho rõ – Trong khu rừng thưa ở xóm Miễu có một con cọp già thành tinh vì nó đã ăn thịt đủ một trăm người. Ba tao bảo hồi xưa nó bị phường săn bắn què một chân nên nó rất hung dữ, luôn nuôi mộng báo thù.
- Thế cọp thành tinh khác gì cọp không thành tinh? – Tôi liếm đôi môi khô rang, thì thầm hỏi.
- Cọp thành tinh nghe được tiếng người. Ở xa mấy nó cũng nghe. Mình bàn tính gì nó đều biết hết. – Thằng Sơn vừa nói vừa ngoảnh cổ nhìn dáo dác cứ như thể con cọp ba chân đang rình rập quanh đây làm tôi phải quay đầu nhìn theo nó, lòng chờn chợn.
Tôi tự trấn an mình bằng nhận xét:
- Nhưng nó đâu phải là ma. Ma mới đáng sợ. Chứ cọp thành tinh dù sao cũng…
- Cọp thành tinh với ma cọp là một. Tinh là yêu tinh, tức là thuộc dạng ma quỷ rồi.
Thằng Sơn đáp bừa, rồi nó nghiêng đầu nó vào đầu tôi, xì xào qua khe răng:
- Ba tao bảo con ma cọp này khôn lắm. Muốn bắt người nào, nó làm cho người đó bị đau bụng, thế là nạn nhân không cố thủ trong nhà được, phải lần sau hè đi ị. Nó nấp sẵn trước cửa, nạn nhân vừa bước ra là nó vồ ngay, trăm người không trật môt.
Câu chuyện rùng rợn của thằng Sơn quét lên mặt tôi một thứ màu làm bằng bột mì. Người tôi như gây gây sốt.
Đang lúc muốn lăn ra ốm, tôi chợt nhớ tới một chi tiết, mắt liền sáng lên:
- He he, mày chỉ giỏi phịa. Nếu đúng như mày nói tại sao ông Tám Tàng mổ lợn dám cất nhà ở xóm Miễu?
- Mày chả biết gì mà cũng nói. – Thằng Sơn xì nước bọt qua kẽ răng – Trước khi chuyển sang mổ lợn, ông Tám Tàng hành nghề thầy cúng. Ông Tám Tàng có bùa, ma cọp chẳng làm gì được.
Tôi không thể bắt bẻ thằng Sơn được. Tôi vặn vẹo cỡ nào, nó cũng đáp ro ro. Túng thế, tôi phẩy tay:
- Tao cóc tin mày. Để tao về tao hỏi chú tao.
25. Truyền Thuyết Xóm Miễu
Chú Đàn im lặng nghe tôi thuật lại những gì thằng Sơn nói. Cho đến khi tôi kể xong, chú vẫn không hé môi một tiếng nào.
- Thằng Sơn nói xạo phải không chú? – Tôi bối rối nhìn chú, ngập ngừng lên tiếng.
Tôi hỏi và thấy chú vẫn đang nhìn đi đâu đó ngoài trời. Có lúc tôi ngờ ngợ không biết chú có nghe thấy câu hỏi của tôi không.
Lâu thật lâu chú mới tặc lưỡi đáp:
- Bạn con nói đúng đó, con.
- Đúng là sao, chú? – Tôi sửng sốt hỏi lại, vẫn không tin vào tai mình dù tôi nghĩ tôi nghe rất rõ.
Chú Đàn đặt tay lên vai tôi và thở hắt ra:
- Đúng là ở xóm Miễu có một con cọp thành tinh. Tụi con đừng bao giờ đi về phía đó.
Thằng Tường ngồi cạnh, vọt miệng:
- Vậy sao trước nay chú không nói cho tụi con biết?
- Tại vì chú nghĩ tụi con không có việc gì phải đến xóm Miễu.
- Con cọp đó biết nghe tiếng người thật hả chú? – Tường lại hỏi.
- Ờ, con cọp a chân đó tinh ranh lắm. Chu yện này rất nhiều người biết.
Ánh mắt chú Đàn đi qua đi lại giữa tôi và Tường, vẻ mặt chú đột nhiên nghiêm trang:
- Tụi con nhớ lại xem. Có phải trẻ con làng mình xưa nay không đứa nào đi xuống xóm Miễu.
Tôi níu tay chú Đàn:
- Ba mẹ tụi nó không cho đi hả, chú?
- Ờ, tụi nó đi đâu thì đi, nhưng xuống xóm Miễu là bị cấm ngặt.
Chú Đàn không gạt tôi. Hôm sau đến lớp, tôi vờ hỏi con Mận:
- Mận này! Ngày mai mày đi xuống xóm Miễu chơi với tao không?
- Eo ôi, mình không dám đâu. Xuống đó cho cọp ăn thịt à? – Con Mận vừa nói vừa rụt cổ.
Tôi rủ con Xin, con Xin cũng lắc đầu nguây nguẩy:
- Mình không đi đâu. Mình sợ lắm.
Tôi giả bộ khờ:
- Sợ gì cơ?
- Ma cọp.
- Ai bảo mày ở xóm Miễu có ma cọp?
- Ba mình bảo.
Nó thè lưỡi:
- Mình mà léng phéng xuống đó, ba mình đánh cho bét đít.
Con Xin đem ba nó ra làm bằng chứng, tôi không thể không tin.
Tôi gật đầu:
- Ờ, ba mày đã nói vậy thì ngày mai tao cũng ở nhà luôn.
26. Ba Con Xin
Ba con Xin là ông Xung hành nghề hốt thuốc Bắc. Nh à ông có dãy tủ gỗ mít đen bóng ốp sát tường, ngăn kéo san sát. Mỗi lần đến nhà con Xin, chạy nhảy ngoài sân chán tôi lại vào nhà xem ông hốt thuốc.
Trước tiên ông nghiêm nghị bắt mạch người bệnh với ba ngón tay, sau đó hỏi han đủ thứ, rồi ông vạch mí mắt người bệnh ra xem, bắt người bệnh thè cả lưỡi ra nữa. Những lúc đó trông ông rất oai, như một ông vua, bảo làm gì là khách làm theo răm rắp.
Nhưng tôi vào nhà không phải để xem ông khám bệnh. Tôi hồi hộp đợi tiết mục tiếp theo. Đó là lúc ông hốt thuốc.
Ông mở ngăn kéo này, hốt một nắm vỏ quýt, mở ngăn kéo kia hốt một nắm cam thảo. Có vô số ngăn như vậy, mỗi ngăn chứa một loại thảo dược khác nhau.
Sau khi hốt đủ các vị thuốc cần thiết, cuối cùng bao giờ ông cũng bắc ghế trèo lên thò tay vào ngăn trên cùng, bốc vài quả táo Tàu cho vào thang thuốc.
Quả táo Tàu to bằng ngón tay cái, khô quắt queo và đen thùi lùi nhưng cắn vào nghe sừng sực và ngọt lịm, con nít đứa nào cũng mê tơi.
Lần nào cũng vậy, thấy tôi đứng thập thò sau quầy ngăn giương cặp mắt thèm thuồng ra nhìn ông, thế nào ông Xung cũng lấy thêm một quả táo chìa ra trước mặt tôi, vui vẻ:
- Bác cho con nè.
Trăm lần như một, hễ tôi có mặt lúc ba con Xin hốt thuốc bao giờ tôi cũng có phần.
Nhưng không phải lúc nào ông Xung cũng có khách. Những lúc đó, thèm táo quá, tôi nhìn dáo dác không thấy ai liền đánh liều bắc ghế trèo lên các ngăn tủ. Ngăn đựng táo quá cao, tôi phải chồng một lúc ba cái ghế mới vói tới.
Ba lần ăn vụng táo đều trót lọt.
Tới lần thứ tư, tôi kiễng chân mạnh quá, chồng ghế lộn nhào hất tôi lăn kềnh dưới nền nhà, ê ẩm cả người.
Sợ ông Xung nghe tiếng động chạy ra, tôi nén đau tập tễnh chuồn ra trước sân, rồi chân thấp chân cao vù thẳng một mạch về nhà.
Hôm sau gặp con Xin trên lớp, mặt tôi cứ lấm la lấm lét. Tôi chờ nó chửi tôi là đồ ăn vụng. Ghét tôi, nó quàng ba chữ “đồ trộm cắp” lên đầu tôi, tôi chỉ có khóc.
Nhưng tôi rình nó suốt cả buổi sáng, chẳng thấy nó có thái độ gì khác lạ. Con Xin vẫn nói cười tỉnh bơ, cứ như thể nhà nó chưa từng có trộm đột nhập.
Chắc là ông Xung không biết tôi đã vào nhà trộm táo. Nhìn thấy mấy chiếc ghế đổ chổng kềnh, chắc ông nghĩ do bọn chó mèo gây ra. Tôi thở phào nhẹ nhõm và vài ngày sau tôi lại lơn tơn mò sang nhà nó.
Chơi u, chơi cướp cờ với tụi bạn chán, đến trò trốn tìm tôi nhìn quanh không thấy đứa nào để ý lại chui tọt vào nhà.
Phòng khám của ông Xung vắng hoe, ba chiếc ghế con xếp thành một hàng ngay ngắn trong góc.
Tôi liếc lên dãy ngăn kéo im lìm, phân vân không biết có nên bắc ghế leo lên một lần nữa không.
Đang lưỡng lự, ánh mắt tôi chợt chạm phải một ngăn kéo dưới thấp và lập tức mắc kẹt luôn ở đó.
Đó là ngăn kéo duy nhất có dán nhãn bên ngoài, độc một chữ “TÁO”.
Trong một phút, không khí chung quanh tôi như đông cứng lại, mọi âm thanh xôn xao vọng vào từ ngoài sân đột ngột tắt ngấm trong tai tôi.
Tất cả những gì tôi nghe thấy trong lúc đó là tiếng trái tim tôi đang nện thình thịch trong lồng ngực, không, không phải lồng ngực, nó đang đập binh binh ở chỗ nào khác, thấp hơn, có thể trái tim tôi vừa rơi xuống một chỗ nào đó gần dạ dày.
Tay chân tôi tê liệt có đến một lúc. Đến khi cử động được, điều duy nhất tôi có thể làm là vùng chạy ra khỏi nhà con Xin. Chạy tuốt ra đường. Xa thật xa.
Tôi cảm thấy xấu hổ, cứ như thể tôi vừa bị bắt quả tang thò tay vào ngăn kéo, mặc dù tôi biết ba con Xin không trách cứ gì tôi. Thậm chí ông cố tình đổi ngăn kéo đựng táo xuống phía dưới và ghi rõ chữ “TÁO” bên ngoài để tôi có thể dễ dàng lấy trộm.
Ông “vẽ đường cho hươu chạy” chẳng qua ông sợ tôi té ngã khi phải bắc ghế trèo lên cao.
Nhưng kể từ hôm đó tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện lấy trộm táo của ông nữa, chẳng hiểu tại sao!
27. Ba Con Mận
So với nhà con Xin, nhà con Mận ở gần nhà tôi hơn, chỉ cách một nghĩa trang chạy dọc theo đường lộ về phía biển.
Nhưng tôi chưa bao giờ thực sự có ý định qua chơi với con Mận (chỉ có nó hay qua nhà tôi, khi thì mượn tập khi thì nhờ tôi giải giùm một bài toán khó).
Trước đây tôi có qua nhà con Mận cũng là để cắt tóc, bây giờ tôi chỉ qua nhà nó khi mẹ tôi sai tôi (vào những lúc thằng Tường vắng nhà) đi mua đường, nước mắm, hột vịt, xì dầu hay những thứ linh tinh khác.
Từ ngày tiệm hớt tóc của ba con Mận đóng cửa, thế vào đó là tiệm tạp hóa bày bán đủ thứ lặt vặt, không ai còn nhìn thấy ba nó nữa. Người ta nghi ông bị bệnh phong, mẹ con Mận không dám để ông lảng vảng ở nhà trước. Ai hỏi, bà cũng bảo ông đang chữa bệnh trên thành phố.
Chỉ có tôi biết ba con Mận vẫn ở trong nhà.
Một lần tôi tới tìm con Mận để đòi cuốn tập nó mượn của tôi. Nó học dốt ơi là dốt. Nó lớn hơn tôi một tuổi, mặt mày xinh đẹp nhưng hơi bị ngu, gần đây tháng nào cũng đứng gần bét lớp. Mỗi khi thầy cô giáo ra bài tập, sắp đến ngày nộp bài, nó toàn mượn tập của tôi để chép. Lần đó tôi hỏi con Mận “Sao mày học ngu thế?”. Nó không đáp, chỉ cúi đầu nhìn xuống chân. Tôi lại hỏi: “Về nhà mày không bao giờ học bài làm bài à?”. Nó vẫn không đáp nhưng tôi thấy nó lấy tay quệt nước mắt.
Những giọt nước mắt của con Mận làm mềm trái tim tôi. Tôi tò mò ngắm khuôn mặt nó, cảm thấy tâm hồn nó dường như xa vắng lắm. Tự nhiên tôi ước giá như tôi chưa từng thốt ra những lời lẽ lỗ mãng vừa rồi.
Ngần ngừ một hồi, tôi khẽ tặc lưỡi và lúc lắc đầu như thể có một con ruồi đang đậu trên chóp mũi:
- Mày đừng buồn nữa. Mày chép bài chưa xong thì cứ giữ tập của tao. Tao không đòi nữa đâu.
- Mình chép xong rồi. – Con Mận mỉm cười yếu ớt.
Tôi gãi gáy, nhìn con Mận như nhìn một dấu hỏi to tướng:
- Thế sao mày khóc?
- Mình phải lo cho ba mình.
Thoạt đầu, tôi không hiểu con Mận nói gì. Thậm chí tôi bắt đầu nghĩ nó hơi điên điên.
- Mày phải lo cho ba mày? – Tôi hỏi lại một cách máy móc.
- Ờ. Vì vậy mình không có thì giờ để coi lại bài vở.
Tôi tròn xoe mắt:
- Ba mày lên thành phố chữa bệnh rồi mà?
Con Mận sụt sịt đáp, trong một phút tôi thấy mặt nó như héo đi:
- Ba mình vẫn ở trong nhà. Mẹ mình nhốt ba mình trên gác.
Con Mận hạ giọng vo ve như sợ ai nghe lỏm khiến tôi vừa dỏng tai vừa nhìn chằm chằm đôi môi nó để vừa nghe vừa đoán xem nó nói gì.
- À, ra thế.
Tôi đưa mắt tìm căn gác nhà con Mận nhưng tôi không nhìn thấy vì căn gác nằm ở phía sau, người bất giác run lên vì tiết lộ bất ngờ của nó.
Ánh mắt tôi lại rớt xuống gương mặt u sầu của con Mận, đọng lại ở đó một lúc lâu, lòng rất đỗi hoang mang, chỉ đến khi nó ngừng khóc để bắt đầu xì mũi thì tôi mới quay mặt đi chỗ khác.
28. Tôi Không Thể Giữ Bí Mật
Từ khi biết được bí mật đó, lần nào đi ngang nhà con Mận hoặc ghé nhà nó mua đồ, tôi đều có thói quen ngước mắt nhìn lên, dù căn gác nơi ba nó ở bị che khuất bởi mái nhà ngang phía trước.
Bữa đó khi chia tay, con Mận nhìn tôi bằng đôi mắt ướt:
- Bạn nhớ giữ kín chuyện này nha.
- Dĩ nhiên rồi.
Tôi gật đầu, nhận ra giọng mình khẳng khái hơn bình thường, có lẽ do câu chuyện buồn bã của nó, phần khác do đôi mắt nó đột nhiên xám và lạnh đi trong bóng chiều khiến tôi thấy lòng se lại.
Tôi nghĩ lung suốt dọc đường về nhà. Tôi không biết mẹ con Mận làm thế có đúng không, nhưng tôi nghĩ chắc bà khổ tâm lắm.
Sau này đã nhiều lần tôi định hỏi con Mận rằng mẹ nó nhốt ba nó bằng cách nào, nhưng cứ mỗi lần tôi định mở miệng lại như có một cái gì đó chẹn ngang họng. Tôi thấy câu hỏi đó nhẫn tâm quá, mặc dù tôi chỉ bị sự tò mò kích thích.
Tôi đành phải hình dung trong đầu. Tôi mường tượng mẹ con Mận xích ba con Mận vào chân giường, hoặc là vào cột nhà để ong không thể tự do đi lại. Cũng có thể bà không cần làm thế, chỉ khóa trái cửa lại là ba con Mận không thể tháo thân.
Một thời gian dài đầu óc tôi cứ bị cột chặt vào các hình ảnh đó, ngay cả trong giấc ngủ, đến mức nỗi bứt rứt của tôi có lẽ đã không kém gì con Mận.
Một chuyện ly kỳ như vậy mà không thể thổ lộ với ai càng khiến tôi khổ tâm ghê gớm. Nhưng tôi đã trót quả quyết với con Mận và cay đắng nhận ra mình đang bị cầm tù bởi lời hứa của chính mình.
Cho đến một ngày, tôi có cảm giác nếu tôi không nói ra được với ai về chuyện đó thì tôi sẽ chết, người tôi sẽ nổ tung ra mất, tôi bèn ngoắt thằng Tường ra sau hè.
- Chuyện gì quan trọng vậy, anh Hai? – Tường giương mắt nhìn tôi khi hai anh em đã ngồi xuống chiếc đòn kê cạnh chuồn gà.
- Ờ, chuyện này quan trọng lắm.
Tôi liếc Tường, nhấn mạnh:
- Quan trọng nhất trong những chuyện quan trọng tao từng nói với mày.
Tôi thấy thằng Tường rùng mình một cái, không rõ nó rùng mình thật hay cố tình làm ra thế.
Tôi nhắm mắt lại, như không muốn nhìn thẳng vào bí mật tôi sắp