Chương 7:
Hồng Hà thấy tôi vào lớp cứ luôn miệng nói cười toe toét, lấy làm lạ lắm. Nó cứ tò tò theo tôi, gặng hỏi:
- Mày… mày có chuyện gì vui thế?
Tôi chối phắt:
- Có chuyện gì đâu!
- Mày… mày đừng giấu tao!
Hồng Hà vừa nói vừa nhìn tôi chằm chằm. Thấy tôi làm thinh, nó lại dò dẫm:
- Mày… mày đang thương con nhỏ nào phải không?
- Bậy.
Hồng Hà vẫn không chịu nhận là mình “bậy”, lại hỏi:
- Em… em thằng Đông Anh hở?
Nó hỏi mặc nó, tôi im ru.
- Em… em thằng Bội hở?
Trời đất, không hiểu thằng cà lăm này căn cứ vào đâu mà nghĩ rằng tôi thương “hoa khôi sún răng” trường Sao Mai!
Lần này không những không trả lời, mặt tôi sa sầm xuống.
Hồng Hà chứng tỏ không ai lì lợm bằng nó. Bất chấp sự phật ý của tôi, nó quyết tìm ra sự thật đến cùng:
- Hay… hay em thằng Diên?
Thấy tôi vẫn không buồn nhếch mép, Hồng Hà ngó sững tôi một hồi tồi reo lên:
- A, vậy… vậy là em thằng Minh Khôi rồi?
Tới đây thì tôi hết chịu đựng nổi.
- “Em thằng Minh Khôi” cái đầu mày! – Tôi quắc mắt gầm gừ – Con nhỏ tao thương không phải em gái đứa nào hết!
Thấy tôi trúng kế, Hồng Hà sáng mắt, hỏi dồn:
- Chứ… chứ nó là ai?
- Nó là con cha mẹ nó!
Hồng Hà nhăn mặt:
- Cha… cha mẹ nó là ai?
- Là con ông bà nó! – Tôi hừ mũi – Mày đừng hòng gài bẫy tao!
Thấy âm mưu bị bại lộ, Hồng Hà cười hì hì:
- Tao… tao chỉ muốn biết để giúp đỡ mày thôi mà.
Tôi liếc xéo nó:
- Giúp đỡ bằng cách nào?
- Tao… tao sẽ tỏ tình giùm mày?
- Khỏi! – Tôi nhún vai – Nó không phải là tao. Nó không đủ kiên nhẫn nghe mày nói hết một câu đâu.
Bị tôi điểm ngay yếu huyệt, Hồng Hà gãi đầu, toét miệng cười:
- Ờ há! Tao… tao quên béng mất chuyện đó.
Tôi lim dim mắt:
- Mày yên chí. Tao sẽ làm thơ tặng nó. Đọc thơ tao, nó sẽ hiểu được tình cảm lai láng tao dành cho nó.
Hồng Hà gật đầu:
- Ừ, mày… mày là Lý Bạch mà tao quên khuấy!
Tôi hất mặt lên trời:
- Là Rimbaud nữa!
Hồng Hà nhanh nhẩu hùa theo:
- Ừ, là… là Rimbaud nữa.
Rimbaud vung tay phải:
- Bài thơ “Giấc mơ của chàng chăn cừu” đăng trên báo Bạn Trẻ chính là bài thơ đầu tiên tao làm cho nó.
Hồng Hà gật gù:
- Ra vậy!
Rimbaud vung tay trái:
- Bài thơ tao viết cho nhỏ Đinh Lăng thực ra cũng là viết cho nó.
Hồng Hà tròn xoe mắt:
- Thế hở?
Rimbaud vung cả hai tay:
- Cả những bài thơ tao viết cho em gái thằng Bội, em gái thằng Diên, em gái thằng Minh Khôi cũng thế. Cũng đều viết cho nàng Stéphanette.
Quá hứng khởi, tôi phun tên người thương ra cửa miệng. Hồng Hà sửng sốt:
- Con… con nhỏ đó là Tây… Tây lai?
- Bá láp!
- Như vậy nó là… là Tây con? – Hồng Hà lật đật sửa sai – Nó là dân Pascal?
Tôi lắc đầu:
- Nó người Đà Nẵng, học bên Trưng Vương.
Hồng Hà ngạc nhiên:
- Thế sao tên nó là… là Stéphanette?
Tôi mỉm cười:
- Đó là tên nhân vật trong truyện “Les Étoiles” của Alphonse Daudet.
- Tao nhớ truyện đó rồi! – Hồng Hà “à” một tiếng – Hèn gì mày tự ví mình là chàng chăn cừu cô đơn?
Hồng Hà tò mò:
- Thế tên… tên thật con nhỏ đó là gì?
- Quyên.
Hồng Hà tấm tắc:
- Tên hay ghê!
Tôi thừa dịp ca ngợi chủ nhân của trái tim tôi:
- Tên hay mà người cũng đẹp. Đẹp hơn em gái thằng Đông Anh gấp mười lần.
Đông Anh là dân Pascal. Chỉ có vậy mà nàng Đinh Lăng bị thằng Hồng Hà “phân biệt đối xử” thê thảm. Nghe nhỏ Quyên trường Việt đẹp hơn em gái dân trường Tây, Hồng Hà cười tít mắt:
- Nhỏ Đinh Lăng thua xa ngón chân út của nhỏ Quyên hở?
Tôi không thích lối ví von khủng khiếp của Hồng Hà, nhưng vẫn gật đầu đại:
- Ừ.
Hồng Hà gạ:
- Hôm nào mày giới… giới thiệu nhỏ Quyên với tao nhé.
- Ừ, hôm nào. Gặp nhỏ Quyên rồi, mày sẽ thấy tao không hề nói ngoa.
Hồng Hà nắm chặt tay tôi:
- Tao… tao tin mày mà.
Trong lớp, chỉ có mỗi Hồng Hà biết tôi thương nàng Stéphanette. Với những đứa khác, tôi ngậm tăm. Tôi dặn Hồng Hà đừng hé môi nửa lời về chuyện này với bất cứ ai.
Ngay cả với Hồng Hà, tôi cũng chỉ mở cửa lòng he hé. Tôi chỉ nói tôi thương nhỏ Quyên và làm thơ cho nó. Thế thôi. Tôi giấu biến chuyện trước đây tôi vẫn ngồi bệt trên vỉa hè đường Nguyễn Du đêm này qua đêm khác như một tên du thủ du thực chính hiệu. Tôi không dại gì nói với nó rằng trong suốt một thời gian dài tôi chỉ chiêm ngưỡng nàng Stéphanette qua chiếc bóng in hững hờ trên rèm cửa sổ. Rằng nếu không có một sự tình cờ run rủi, nghĩa là nếu thằng Bá không giới thiệu tôi làm quen với Minh Hoa, cho đến già tôi cũng chưa chắc biết đến chân dung của người tôi thương, nói gì đến chuyện được nàng hẹn hò “nếu rảnh cứ đến chỗ Quyên chơi”.
*****
Tôi “đến chỗ Quyên chơi” ngày càng thường xuyên.
Thời gian đầu, mỗi tuần tôi ghé một lần vào buổi tối. Sau đó, tôi ghé một tuần hai lần, rồi ba lần. Thấy nhỏ Quyên không tỏ vẻ gì phản đối, tôi hí hửng lấn tới.
Tôi được đằng chân lân đằng đầu. Bây giờ thì không những tôi đến nhà nhỏ Quyên hằng ngày, mà còn trưa đến một lần tối đến một lần. Cứ cái đà này, dám có ngày tôi dọn đến nhà nó ở luôn!
Thỉnh thoảng tôi gặp ba mẹ nhỏ Quyên ở phòng khách. Lần đầu tôi hơi sờ sợ, nhưng ba mẹ nó đối xử với tôi rất niềm nở, thân thiện nên dần dà tôi tự nhiên hơn.
Mẹ nó còn nói:
- Con ở ngoài này không có bà con, khi nào buồn cứ đến chơi với nhỏ Quyên con nhé!
Sau này tôi biết thêm ông ngoại nhỏ Quyên hồi trước làm việc ở Thăng Bình và sinh ra mẹ nó ở đó, mãi về sau mới chuyển ra Đà Nẵng. Chắc mỗi lần nhìn thấy tôi, mẹ nó lại rưng rưng nhớ đến nơi chôn nhau cắt rốn nên đã biệt đãi tôi cũng nên.
Như lửa đặt sát rạt bên cạnh rơm, tôi với nhỏ Quyên ngày càng thân mật. Gặp nhau hằng ngày như thế, không thân mật mới là chuyện lạ.
Có lần tôi áy náy nói với nó:
- Tôi đến chơi suốt, làm sao Quyên học bài được?
Nó gật đầu:
- Ừ, Quyên không học được.
Sự thú nhận thành thật của nhỏ Quyên chẳng khác nào gáo nước lạnh tạt vào ngực tôi. Lòng tôi bỗng chốc hoang mang. Nó nói như vậy có khác nào nó bảo tôi đừng dẫn xác đến nhà nó nữa. Có khác nào nó bảo tôi đã quấy rầy nó quá nhiều, sở dĩ trước nay nó không nói thẳng ra chỉ vì nó tội nghiệp cho thân phận lẻ loi, nghèo hèn của một học trò tỉnh lẻ đó thôi.
Trong thoáng mắt, tôi chợt nhận ra vị trí thực sự của mình. “Tôi chỉ là chàng chăn cừu cô đơn lang thang trên đồng cỏ. Đêm không biết làm gì, ngồi đếm sao thưa”. Và chàng chăn cừu cúi đầu, ngậm ngùi:
- Tôi xin lỗi Quyên. Tôi sẽ không đến đây nữa.
- Sao thế? – Nhỏ Quyên có vẻ bất ngờ trước quyết định của tôi.
Tôi cay đắng:
- Để cho Quyên học bài.
- Khoa buồn cười quá. Đâu nhất thiết phải vậy! – Nhỏ Quyên cười khúc khích – Khoa cứ ôm tập đến học chung với Quyên! Khoa ngồi một góc, Quyên ngồi một góc, như vậy thì ai cũng học bài được.
Nhỏ Quyên đề nghị một cách thản nhiên trong khi tôi nghe lùng bùng lỗ tai, mặt bất giác thần ra.
Nhìn vẻ mặt ngơ ngẩn của tôi, nhỏ Quyên ngạc nhiên hỏi:
- Bộ Khoa không thích học chung với Quyên hở?
- Không! – Tôi lắp bắp – Thích… thích chứ!
Nhỏ Quyên mỉm cười:
- Vậy bắt đầu từ ngày mai, Khoa nhớ ôm tập theo nhé!
Thế là kể từ hôm đó, chàng chăn cừu ngày ngày ôm tập đến học chung với nàng Stéphanette, điều mà dẫu táo tợn đến mấy nhà văn Alphonse Daudet cũng không dám nghĩ tới.
Tôi học ban C, toán lý hóa dốt đặc cán mai, nhỏ Quyên phải chỉ tôi. Ngược lại tôi “phụ đạo” tiếng Pháp, tiếng Anh cho nàng nữ sinh ban A mải vùi đầu tụng bài không có thì giờ để trau dồi ngoại ngữ.
Bác Đán thấy tôi dạo này ngày hai bữa ăn xong là ôm tập tót ra khỏi nhà, lấy làm ngạc nhiên lắm:
- Con đi học thêm hở con?
- Dạ.
- Học thêm sao ngày nào cũng đi thế, con? Lại đi trưa đi tối?
Tôi nuốt nước bọt:
- Con học nhiều môn bác ạ. Con sợ thi rớt.
Bác Đán không biết “đi học thêm” theo kiểu của tôi khả năng thi rớt nhiều hơn là thi đậu, bèn gật gù:
- Con biết lo thế là tốt. Nhưng cũng phải biết giữ gìn sức khỏe nghe con.
- Dạ.
Bác Đán sực nhớ ra:
- À, còn chuyện con bé kia đến đâu rồi hở con?
Tôi giật thót, miệng vội vàng đáp:
- Chưa đến đâu cả bác ạ.
Mặc dù tay tôi đã ôm sẵn tập chuẩn bị vù thẳng đến nhà nhỏ Quyên.
Nghe tôi nói vậy, bác Đán không chất vấn nữa. Bác nhìn ra ngoài đường, chép miệng bâng quơ:
- Sao bác vẫn thấy lo cho con quá. Tâm hồn con quá lãng nạn, không cẩn thận giữ mình sẽ có ngày bị lũ lụt tình ái cuốn trôi.
- Không đâu bác!
Tôi khẳng khái đáp và nôn nao bước chân ra khỏi nhà.
Tối đó, sau khi ở nhà nhỏ Quyên về, tôi hứng khởi ngồi vào bàn, ngất ngây phóng bút:
Có một kẻ làm ta đau khổ
Còn hơn đời chẳng vấn vương ai
Lũ lụt tình anh xin chịu hết
Chớ để lòng như suối cạn hoài.
Bài thơ này sau khi làm xong, tôi xé khỏi tập, gấp lại nhét vào giữa lần giấy bao và bìa tập.
Tôi sợ bác Đán đọc được. Tôi không muốn bác lên cơn đau tim.
*****
Chuyện nhỏ Quyên, tôi giấu được tụi bạn trong lớp nhưng không giấu được Minh Hoa.
Một hôm, Minh Hoa hỏi tôi:
- Sao dạo này Khoa ít ghé chơi?
Tôi không dám nói lộ trình của tôi dạo này đã quanh sang ngả khác. Tôi ấp úng:
- Dạo này tôi bận học.
Minh Hoa nhìn tôi đăm đăm:
- Khoa nói thật đấy hở?
Tôi ngó lơ chỗ khác, lí nhí đáp:
- Thật.
Minh Hoa mỉm cười:
- Khoa bận học ở nhà Quyên chứ gì!
Tôi không ngờ Minh Hoa biết chuyện này. Vì vậy mặt tôi đỏ bừng:
- Ai bảo Minh Hoa vậy?
- Quyên bảo chứ ai. Quyên nói gần đây ngày nào Khoa cũng đến!
Giọng Minh Hoa đột nhiên ranh mãnh:
- Mà một ngày đến những hai lần cơ.
Tôi bối rối phân bua:
- Tôi chỉ đến để học bài.
Cách ứng đáp của tôi có lẽ quá vụng về cho nên Minh Hoa không buồn vặn vẹo, trêu chọc. Nó không muốn dồn tôi vào chân tường. Nó ngó tôi một hồi rồi ngoảnh đầu nhìn ra sân nắng, buột miệng bâng quơ:
- Quyên có bạn trai rồi, Khoa ạ.
Thông báo của Minh Hoa quả là đột ngột. Nhưng lúc này tôi không buồn thắc mắc tại sao tự dưng nó lại nói đến chuyện này. Tôi chỉ nghe tim tôi thắt lại. Như người đang ở trong mơ, tôi hỏi lại Minh Hoa bằng cái câu nó vừa hỏi tôi:
- Minh Hoa nói thật đấy hở?
Và tôi nghe tiếng Minh Hoa như từ xa xăm vọng lại:
- Thật.
Trong thoáng mắt, tôi có cảm giác tai tôi như ù đi. Tôi không thể tin được nhỏ Quyên đã có bạn trai. Trước nay, tôi không nghe nó nói gì về chuyện đó. Dạo trước, tối nào tôi cũng ngồi trước cửa nhà nó đến khuya lơ khuya lắc, đâu có thấy ai thập thò bén mảng. Gần đây tôi thường xuyên “đóng đô” ở nhà nó, cũng không thấy bóng dáng người con trai nào thấp thoáng tới lui.
Nhưng tôi biết Minh Hoa không phịa chuyện để hù tôi. Minh Hoa thương tôi lẻ loi nơi xứ lạ, nó không nỡ nào làm tôi đau khổ một cách vô cớ.
Thấy tôi thừ người ra, Minh Hoa ngập ngừng an ủi:
- Đừng buồn, Khoa ạ.
Minh Hoa là con nhỏ tốt bụng, nhưng vô duyên. Lúc này mà nó khuyên tôi đừng buồn có khác nào nó chọc quê tôi.
Mặt tôi xịu xuống:
- Hắn là ai vậy?
- Minh Hoa không biết.
Tôi định bắt bẻ “Thế sao Minh Hoa biết Quyên có bạn trai?” nhưng cuối cùng tôi nén lại được. Hỏi câu đó tôi còn vô duyên hơn Minh Hoa gấp bội.
Không hỏi được, tôi đứng lên, giọng buồn rười rượi:
- Tôi về nhé.
Minh Hoa không cản. Nhưng khi tiễn tôi ra cửa, nó bỗng rụt rè buột miệng:
- Lẽ ra Minh Hoa không nên…
Tôi giơ tay, hùng dũng cắt ngang:
- Minh Hoa đừng áy náy. Tôi không sao đâu.
Rồi trước vẻ mặt bồn chồn của nó, tôi không nói thêm một tiếng nào, quay mình lật đật rảo bước.
Tôi tuyên bố như một người hùng. Và bỏ đi như một tên thua bạc.
Tối đó, tôi lang thang qua các ngả phố như những ngày đầu tiên ra Đà Nẵng. Tôi lại đi qua các ngã tư đèn màu để nghe lòng mình chớp nháy. Tôi lại vào các cửa hiệu để chẳng mua gì. Bây giờ tôi đã có nhiều