Truyện cười bựa: Thư gửi bố!
Đây là bức thư của một nam sinh viên người Mĩ đang du học tại Việt Nam viết gửi về cho bố bạn ấy. Tất nhiên là bạn ấy viết bằng tiếng Mĩ, và tôi phải nhờ một bạn sinh viên người Anh biết tiếng Mĩ dịch bức thư này sang tiếng Anh, rồi lại nhờ một bạn sinh viên người Việt biết tiếng Anh dịch tiếp bức thư từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Rất công phu và mất thời gian! Sau đây là nội dung bức thư:
Dear Bố!
Vậy là đã tròn 6 tháng kể từ ngày con sang Việt Nam du học. 6 tháng là khoảng thời gian không dài, nhưng đủ để giúp con trưởng thành và bản lĩnh hơn rất nhiều; giúp con học hỏi và khám phá thêm được bao nhiêu điều bổ ích, mới lạ - những điều mà nếu cứ quanh quẩn ở cái nước Mĩ tẻ nhạt và đơn điệu của chúng ta thì chắc là cho đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay con cũng không bao giờ được biết, được hay.
Ở bên Mĩ, con nổi tiếng là thằng hăng máu, thích gây gổ đánh nhau, gặp đứa nào ngứa mắt là con đập cho vỡ đầu. Thế mà khi qua Việt Nam, con cứ đứng bất lực, khóc tu tu hàng giờ trên vỉa hè vì không dám sang đường. Bởi ở Việt Nam nhiều xe máy quá: xe nhung nhúc như đám mạ ngoài đồng, nườm nượp như bầy vịt trên sông.
Hồi ở Mĩ, khi xem những chương trình đua mô-tô trên tivi, con rất ngưỡng mộ và tự hỏi sao họ có thể điều khiển xe máy khéo léo ở tốc độ cao như thế? Nhưng khi tới đây, con mới thấy rằng mấy anh trên tivi đó vẫn chưa ăn thua gì. Bởi mấy anh trên tivi, tuy phóng nhanh nhưng là phóng trên đường đua thoáng đãng, thênh thang, chứ còn đường ở Việt Nam thì ô tô, xe máy hỗn loạn và đông kìn kịt, thế mà nhiều anh Việt Nam vẫn phóng ầm ầm, đánh võng ngoằn ngoèo, rú ga inh ỏi, và tốc độ thì chắc chắn không kém cạnh, nếu không muốn nói là còn khủng hơn cả tốc độ của mấy anh đua trên tivi.
Thấy con cứ đứng khóc ở vỉa hè mãi, một bà cụ tầm 90 tuổi mới rủ lòng thương, lại gần nắm tay rồi dắt con qua đường. Một thằng thanh niên mười tám đôi mươi, cao lớn, oai phong mà phải để một cụ già lưng còng dắt đi, con thấy xấu hổ lắm. Nhưng nếu phải chọn lựa giữa xấu hổ và chết thì con tin là bố cũng sẽ lựa chọn giống con.
Nhưng đến giờ, sau 6 tháng ở Việt Nam, con trai của bố đã dũng cảm hơn rất nhiều rồi bố ạ! Giờ, con đã có thể tự mình sang đường – dù vẫn phải rình mò, thập thò hồi lâu mới dám bước; dù tay luôn phải cầm cái khăn giơ lên phía trước, ngoáy tít mù để ra dấu – hệt như như một kẻ bị lạc vào hoang đảo khi thấy tàu lạ chạy qua.
Giao thông ở Việt Nam thú vị lắm! Những lúc tắc đường hay dừng đèn đỏ (đặc biệt là khi đèn đỏ chỉ còn vài giây) là các xe thường bấm còi rất sôi nổi. Ban đầu, con cũng không hiểu họ bấm còi để làm gì, bởi đang tắc đường với đang dừng đèn đỏ thì người đằng trước cũng có đi được đâu mà bấm. Thấy con thắc mắc thì một thằng bạn Việt Nam của con giải thích rằng người Việt Nam chúng nó rất yêu âm nhạc, những lúc tắc đường hay dừng đèn đỏ, rảnh quá, không có việc gì làm thì họ bấm còi cho vui. Một người bấm thì nghe không hay nhưng nếu mấy trăm, mấy nghìn cái còi cùng bấm sẽ tạo thành một bản giao hưởng hòa hợp (gọi tắt là giao hợp) rất tuyệt vời. Âm nhạc sẽ giúp người ta quên đi sự ức chế do tắc đường gây ra, làm cho sự chờ đợi thú vị hơn, và thời gian trôi nhanh hơn.
Ở Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh đãng trí là không nhỏ. Bởi dù đã có quy định phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, nhưng không khó để bắt gặp trên đường những người đang chạy xe mắc bệnh đãng trí mà quên không đội. Thậm chí là mũ bảo hiểm đang treo sẵn lủng lẳng ở yếm, ngay trước mắt họ nhưng họ vẫn cứ quên. Một loại bệnh nữa cũng phổ biến không kém đó là bệnh lẫn màu. Ở những chỗ ngã tư có đèn giao thông, nhiều người thường không phân biệt được đâu là xanh, đâu là đỏ: đang đèn đỏ thì họ cứ tưởng là đèn xanh, nên thản nhiên phóng qua.
Hai cái bệnh đãng trí và lẫn màu nói trên tưởng là sẽ dễ gặp ở người già, nhưng không, hầu như nó phát bệnh ở những người trẻ. Đặc biệt là những chị đi Vespa, tóc quăn sành điệu, hoặc những anh đi SH, xăm trổ đầy mình, thì càng dễ mắc.
Noel, Valentine, hay tết dương lịch là những ngày lễ của phương Tây, và con nghĩ là người Việt Nam không quan tâm lắm. Nhưng con đã nhầm, họ rất hào hứng, đặc biệt là các bạn trẻ. Ở Việt Nam, vào những ngày lễ như thế này, các bạn trẻ sẽ đổ ra đường xem bắn pháo hoa. Tuy nhiên, sau khi xem bắn pháo hoa xong thì các nam nữ thanh niên thường không về nhà mà lại đưa nhau vào nhà nghỉ. Con thắc mắc là vào nhà nghỉ làm gì thì thằng bạn con giải thích rằng vào đó bắn pháo hoa. Con hỏi: “Vừa bắn rồi mà, bắn gì nữa?”. Nó bảo: “Vừa rồi là cả nước bắn, còn vào nhà nghỉ thì chỉ có hai người bắn, thích hơn nhiều!”.
Hôm trước bố gọi điện hỏi con là học hành ở bên này có vất vả không? Dạ không! Học sướng lắm ạ! Không vất vả đâu. Con ở cùng phòng ký túc xá với nhiều bạn sinh viên Việt Nam lắm. Chúng con dùng máy tính nối mạng chơi game thâu đêm suốt sáng. Hôm sau, nếu hứng thì lên lớp học, còn không hứng thì ở nhà ngủ; ngủ xong dậy pha mì tôm ăn rồi lại chơi game tiếp. Chiều mỏi mắt, mỏi lưng quá thì ra cổng ký túc xá ngồi trà đá, ngắm gái đẹp đi qua.
Con có một số bạn người Mĩ, người Anh, người Pháp, đang học ở mấy trường đại học lớn như Oxford, Bradford, Old Trafford, sau khi nghe con kể về việc học của con ở đây thì họ thích quá, lập tức xin nghỉ học ở trường của họ và đang làm hồ sơ chuyển qua Việt Nam học cùng con rồi.
Con cũng đang chăm chỉ học tiếng Việt để thuận tiện cho giao tiếp, nhưng tiếng Việt thực sự khó học lắm bố ạ! Con đang rất thích một em teen người Việt Nam. Con nhắn tin tán tỉnh em ấy bằng tiếng Việt phổ thông, nhưng em ấy lại trả lời con bằng tiếng Việt teen code, và tất nhiên là con không hiểu em ấy nói gì. Con mang tin nhắn đến cho thầy giáo dạy tiếng Việt của con dịch giúp. Thầy xem tin nhắn xong thì lắc đầu rồi bảo: “Tao cũng chịu!”. Bố thấy tiếng Việt khó thế nào chưa? Thầy giáo con là người Việt Nam, nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt bao nhiêu năm mà vẫn còn phải chịu đấy!
Ở bên Mĩ, mọi người nuôi chó làm bạn, coi chó như một thành viên trong gia đình, nên không ăn thịt chó. Nhưng ở Việt Nam thì khác, chó thả rông ngoài đường, ỉa bậy lung tung. Nhiều người Việt Nam coi chó cũng chỉ giống như lợn, bò, gà, vịt, nên họ thoải mái ăn thịt. Gần trường con có một phố thịt chó với các cửa hàng san sát kề nhau. Quán nào cũng treo lủng lẳng trước cửa vài con chó khỏa thân (tức chó đã được cạo sạch lông): có con da trắng, có con da vàng, có con lại da đen. Lúc đầu con cứ tưởng chó da trắng là chó Âu, chó da vàng là chó Á, còn chó da đen là chó Phi, nhưng không phải vậy. Về sau mới biết rằng chó trắng là chó đã cạo lông nhưng chưa thui; chó vàng là chó vừa thui xong; còn chó đen thực chất là chó vàng, nhưng ế hàng, không bán được, để mấy ngày thì nó chuyển thành chó đen.
Lần đầu tiên đi qua phố thịt chó đó, con bị mấy người nhao ra chặn đầu xe, tắt máy, vặn chìa khóa, rồi dắt xe con lên vỉa hè. Lúc đầu con tưởng gặp cướp, nhưng cướp thì nó phải phóng xe chạy mất chứ, làm gì có cướp nào ngu mà tắt máy dắt lên hè?! Rồi con lại nghĩ chắc họ là công an mặc thường phục để bắt người vi phạm giao thông. Nhưng công an thì phải giơ tay lên trán chào con, rồi yêu cầu con xuất trình giấy tờ theo đúng quy định chứ, sao lại lỗ mãng và mất lịch sự thế được?! Còn đang hoang mang chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì hai người đàn ông đứng cạnh đã kẹp chặt tay con, rồi một người nữa túm tóc con lôi tuột vào trong quán, bắt con ăn thịt chó. Hóa ra họ là nhân viên của quán được giao nhiệm vụ đứng ngoài đường mời khách. Con khóc lóc, van xin một hồi, bảo là con rất sợ thịt chó, nhưng họ không tin, họ bảo thịt chó ngon vậy, làm sao phải sợ. Chỉ khi con kéo khóa, vạch ra cho họ xem (ví của con là loại ví có khóa kéo), họ thấy trong ví không có đồng nào thì họ mới tha cho con đi.
Sau đó con lại bị các bạn cùng phòng ký túc xá lôi ra quán, ép ăn thịt chó. Chúng nó giữ chân tay, giữ đầu, bành mồm con ra để nhét thịt chó vào. Con sặc sụa và nôn thốc tháo. Nhưng đó là những ngày đầu thôi, chứ sau 6 tháng ở cùng các bạn, giờ, một mình con có thể xơi hết hai đĩa luộc, một đĩa hấp, một bát rượu mận, xong còn tráng miệng thêm bát tiết canh chó to như bát phở bò nữa.
Thôi, dù thư gõ chưa dài, nhưng con xin phép dừng phím tại đây. Giờ ở Việt Nam đã là 6 giờ chiều rồi, con phải tranh thủ ra đầu ngõ phang con lô, kẻo lát nữa người ta khóa sổ là không ghi được. Nếu hôm nay con trúng thì thôi, nhưng nếu con tạch lô thì bố chuẩn bị tiền chuyển sang cho con để con đóng tiền thi lại và học lại bố nhé!
Con trai bai bai bố!
Ký tên: Kenny Tòng
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo