CON NHÀ VÕ
Tôi đến với võ thuật như là một cái duyên. Và tôi tin, không chỉ tôi, mà có lẽ tất cả những người đam mê võ thuật, muốn đến được với võ thuật, muốn luyện tới mức cảnh giới của võ thuật thì đều cần cái chữ duyên ấy.
Cái duyên ấy bắt đầu từ một buổi chiều hè mất điện và nóng nực muốn phát điên, tôi ngồi một mình ở quán nước mía gia truyền đầu phố, vừa ngậm ống hút vừa trầm ngâm suy ngẫm liên thiên. Quán nước mía này khá đông khách, vào giờ cao điểm thì thường xuyên hết bàn, vì vậy, những cơ quan, đoàn thể nào muốn tổ chức liên hoan hoặc sinh nhật ở đây thì phải gọi điện đặt bàn trước. Quán cũng nhận giao nước mía miễn phí tận nhà trong phạm vi bán kính dưới 100km nếu khách gọi từ 2 cốc trở lên. Nếu xa hơn 100km thì sẽ thu thêm 1 nghìn đồng cho mỗi km phát sinh.
Đang say sưa hút nước mía, chợt tôi cùng nhiều khách trong quán giật thót mình bởi tiếng quát rất to của một thằng trông lực lưỡng như con bò, nó cởi trần khoe những hình xăm trổ phượng rồng, ngoằn ngoèo từ cổ, chạy dọc lưng, xuống tận mông:
- ĐKM thằng chủ quán đâu! Ra đây mau!
- Dạ! Có chuyện gì vậy ạ? – Anh chủ quán chạy từ trong ra, vẻ hốt hoảng.
- Quán mày làm ăn kiểu gì vậy? Cốc nước mía thì bé tẹo mà cái ống hút thì to, tao hút ba phát là hết cmn nước rồi! Giờ lấy gì mà hút nữa?
- Anh thông cảm! Quán em trước giờ vẫn vậy mà, có ai kêu ca gì đâu?
- Không ai kêu nghĩa là tao không được kêu à? Chúng nó ngu thì tao phải ngu theo à? Mang cốc khác ra đền cho tao, không tao đập một phát là quán nát như con gián!
Rõ ràng là thằng này sinh sự, ăn vạ rồi, nhưng nó to quá khiến anh chủ quán tái xanh mặt, rúm ró, còn tất cả những người xung quanh, trong đó có tôi, đều cúi gằm, không ai dám can thiệp. Bỗng từ phía sau, một giọng nói lạnh lùng cất lên:
- Mày bức xúc vì hút nước mía nhanh hết hả? Vậy tao có cách cho mày hút được lâu hơn đó!
Dứt lời, một bóng đàn ông mặc áo trắng lao vút tới, xông phi thẳng vào bụng cái thằng xăm phượng trổ rồng. Thằng đó ngã bổ kềnh ra đất. Hắn gầm rú, chống tay toan bật lên thì rất nhanh, bàn chân của người áo trắng đã nhằm cổ hắn đè nghiến xuống. Hắn thở khò khè, ôm chặt lấy chân của đối thủ vằng vẫy. Lúc này, người mặc áo trắng mới từ từ ngồi xuống, tay cầm cốc nước mía, chân vẫn xiết chặt lên cổ của cái thằng xăm trổ:
- Uống đi! Giờ tao đố mày hút hết được cốc nước này đấy!
Gã đó vẫn giãy giụa, cố gỡ bàn chân của người áo trắng ra khỏi cổ mình một cách vô vọng…
- Anh ơi, em biết tội rồi, xin anh tha cho!
Gã van nài một hồi, mặt tím bầm vì khó thở. Lúc này, người áo trắng mới từ từ lỏng chân. Được tha, hắn lồm cồm bò dậy, cảm ơn rối rít rồi cúp đít bỏ chạy. Nhưng được vài bước, hắn khựng lại, ngập ngừng. Người đàn ông áo trắng thấy vậy quát lên:
- Tao đã tha cho rồi, còn không mau cút đi cho khuất mắt?
- Dạ, đợi em trả tiền nước mía đã!
Nói rồi, hắn móc tiền ra, run run trả cho anh chủ quán. Thế nhưng, trả xong rồi mà vẫn chưa thấy hắn đi, cứ đứng ngơ ngơ ở đó…
-Đi mau! Muốn ăn đòn tiếp à?
- Dạ không, em đợi lấy lại tiền thừa!
Xử lý xong thằng sinh sự, người đàn ông áo trắng lại từ tốn trở về bàn của mình trong tiếng vỗ tay hoan hô, trong ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người. Hóa ra, ông ta ngồi ngay phía sau tôi, cùng với hai người bạn nữa. Nhìn hai người bạn của ông ta thì cũng biết ngay là đều thuộc hạng cao thủ bởi những nét cổ quái của họ toát ra từ hình dạng đến trang phục. Một người thì gầy nhẳng, mặt trẻ măng, mồm rụng hết răng, mặc chiếc áo có in hình thủy thủ mặt trăng đang biến hình, chiếc quần đùi rộng thùng thình qua đầu gối, màu xanh nõn chuối. Một người nữa thì bị khoèo, chân trái tong teo, mặt bị rỗ, được cái là thân hình khá vạm vỡ, bên hông đeo một thanh kiếm gỗ với hoa văn loằng ngoằng như giá đỗ, có dây đeo buộc vào chiếc áo ba lỗ thủng lỗ chỗ.
Tôi lân la kéo ghế ngồi gần lại bàn của bọn họ, rồi nói bằng giọng đầy ngưỡng mộ:
- Trước giờ xem phim chưởng, tưởng là họ chỉ dùng kỹ xảo để quay cho đẹp, hôm nay, được chứng kiến võ công của tiền bối đây thì thực sự mới thấy rằng phim vẫn chưa ăn thua gì!
Gã đàn ông mặc áo trắng cười tít mắt. Ông ta tự giới thiệu mình là chủ của một võ đường khá nổi tiếng trong vùng. Khi tôi ngỏ ý muốn theo lão học võ, lão vui vẻ nhận lời, rồi nói thêm:
- Ta chỉ giỏi về quyền cước, oánh tay bo thôi. Còn nếu nói về kiếm thuật và côn nhị khúc thì phải là hai người này.
Nói rồi, lão ta chỉ tay vào hai cao thủ đang ngồi cạnh:
- Người bị khoèo chân này là thần kiếm!
- Dạ! Sao thần kiếm không đeo kiếm thật mà lại đeo kiếm gỗ ạ? – Tôi hỏi.
- À, trước đây cũng có đeo kiếm thật, nhưng một lần, kiếm bị đứt dây, rơi vào chân, đứt gân, bị khoèo, giờ sợ rồi, đeo kiếm gỗ cho an toàn!
- Nhưng lúc đánh nhau, chẳng lẽ đánh bằng kiếm gỗ sao?
- Không, lúc đánh thì chạy về nhà lấy kiếm thật chứ!
- Thế còn vị cao thủ côn nhị khúc này, sao lại bị rụng hết răng, chẳng lẽ là…?
- Đúng rồi, vì tập côn đấy! Nhưng chớ coi thường, vị này chính là đệ tử ruột của Đoàn Dự với chiêu thức Lăng Ba Vi Bộ lừng lẫy giang hồ!
- Nghĩa là vị côn thủ này cũng đã luyện thành thục Lăng Ba Vi Bộ?
- Không chỉ luyện thành thục thôi đâu, hắn ta còn dựa vào đó để sáng tạo ra một chiêu thức mới có tên là Lang Thang Đi Bộ.
- Chiêu thức mới này luyện có khó không ạ?
- Dễ ợt! Chỉ suốt ngày lang thang đi bộ thôi!
- Thế lúc nguy cấp, hoặc bị đối phương đuổi đánh, có mang ra áp dụng được không?
- Không! Bị đuổi đánh thì sao mà sử dụng Lang Thang Đi Bộ được! Phải chạy chứ!
Sau cuộc hội ngộ kỳ duyên ấy, tôi quyết định chọn ông áo trắng làm sư phụ chứ không chọn vị cao thủ kiếm hay là côn. Bởi tôi còn trẻ, nếu bị khoèo hoặc móm sẽ rất khó lấy vợ. Sau vài tháng tập luyện, có chút võ nghệ trong người, ra đường, tôi tự tin lắm! Nhưng tôi luôn nhớ lời dặn của sư phụ: “Học võ không phải để đánh người mà là để giúp đỡ người khác, để bảo vệ kẻ yếu”. Vì vậy, tôi rất khiêm tốn, nhún nhường. Nhiều lúc gặp mấy thằng trẻ trâu hung hăng, vênh váo, tôi cũng muốn đập, nhưng lại cố kiềm chế vì sợ làm trái lời sư phụ. Chỉ có duy nhất một lần tôi phải sử dụng đến võ công, ấy cũng là vì bất đắc dĩ, vì để cứu người, giúp đời.
Đó là vào khoảng nửa đêm, lúc đang phóng xe về, khi chỉ còn cách nhà khoảng hai chục mét, tôi chợt thấy một con SH bị đổ kềnh bên mé đường. Cạnh đó, một thằng đàn ông đang dùng dao để tấn công một cô gái. Hình như cô gái đã túm được con dao nên cả hai đang giằng co dữ dội. “Cướp xe, cướp xe thật rồi!”. Tôi nghĩ vậy và lập tức nhảy vào đạp một phát trúng mạng sườn của thằng cướp nghe cái “rắc”! Thằng đó bị ăn đòn bất ngờ thì văng ra, đập vào gốc cây rồi loạng choạng. Chỉ chờ có thế, tôi lao tới lên gối, giật gót, đấm đá liên hồi. Đến khi thằng đó mềm nhũn và gục xuống, tôi mới quay ra dựng con SH lên cho cô gái, dặn cô ấy đi về cẩn thận. Sau đó, tôi cũng lên xe rồi phóng về nhà, mặc thằng cướp vẫn nằm rúm ró ở đó, đáng đời nó! Đêm ấy, tôi không ngủ được, bởi cảm giác lâng lâng sung sướng nó cứ trào dâng trong lòng tôi, nôn nao, khó tả. Không vui sao được khi tôi vừa làm được một việc tốt, giúp ích cho đời.
Sau đó mấy hôm, đột nhiên mẹ tôi gọi tôi lại dặn dò:
- Con đi đường về khuya, nếu có cô gái nào đứng bên đường xin đi nhờ xe thì không được cho đi, nhớ chưa!
- Sao vậy mẹ?
- Cướp xe đấy! Mới đây này, ở ngay gần ngõ nhà mình chứ đâu xa, có một anh thanh niên đi xe SH cho một cô gái đi nhờ. Lợi dụng lúc anh này không để ý, cô gái ngồi sau rút dao định đâm. Anh này nhìn qua gương phát hiện được nên nhảy ra khỏi xe rồi lao vào giằng co với cô gái. Đang giằng co thì đồng bọn của cô gái ở đâu lao tới đánh anh ta liên tục cho đến khi ngất xỉu rồi họ lấy xe bỏ trốn! Khi công an tới, anh thanh niên này chỉ kịp cung cấp lời khai xong là chết luôn vì vết thương quá nặng! Đúng là lũ khốn nạn! Công an bắt được cô gái đó rồi, đang điều tra truy bắt nốt thằng đồng bọn!
Đấy, kể từ lần đấy, tôi chưa dám ra tay cứu người thêm lần nào nữa!
Hôm nay, sư phụ tôi mở tiệc rượu mừng giỗ đầu bố vợ sư phụ. Tiệc vui quá nên mãi tới nửa đêm tôi mới phóng xe về nhà. Trời mưa như trút, con phố nhỏ với những hàng cây um tùm hai bên đường nằm oằn mình dưới cơn mưa tê dại. Giờ này, phố cũng ít người qua lại, chỉ có những cột đèn lẻ loi hắt thứ ánh sáng vàng vọt xuống mặt đường, soi rõ từng vệt mưa đổ xuống nhoang nhoáng, nổ tanh tách. Tôi phóng xe rì rì, không dám chạy nhanh, bởi đường trơn trượt, và bởi hai cái lốp xe của tôi đã rất mòn, dễ ngã lắm! Cũng vì đi chậm nên tôi nhìn thấy rất rõ, dưới những gốc cây, vẫn có loáng thoáng những bóng cave mập mờ, vật vờ đón khách. Thấy tôi đi chậm, họ tưởng tôi muốn kiếm gái, liền nhào ra hí hửng, để rồi khi tôi lướt qua, họ lại ngẩn ngơ, chưng hửng quay vào…
- Anh ơi!!!
Nghe tiếng gọi tha thiết, tôi đành cho xe dừng lại. Lập tức, cô cave lao ra, mặc cho làn mưa hối hả vẫn đang tuôn xối xả thành những vệt dài, ròng ròng trên mặt, ngấm vào thịt da…
- Đi không anh?
- Anh không đi đâu! Anh không phải loại đàn ông ham chơi!
- Anh thương em đi! Tối đến giờ em chưa được cuốc nào, chưa có cái gì nhét vào bụng, đói quá, lại lạnh nữa! Anh làm phúc đi! Em lấy anh hai trăm thôi, bao tiền phòng luôn! Bình thường là năm trăm đấy!
Tôi không nói gì, nổ máy phóng đi! Thế nhưng, lời dạy của sư phụ lại vang lên trong đầu tôi: “Học võ là để giúp đỡ người khác!”. Tôi thì rượu thịt đã ấm bụng, tiền đầy trong ví, nhà cửa đàng hoàng. Còn cô gái ấy đang đói rét, không một xu dính túi, không nhà cửa, đứng dầm mưa, đáng thương và tội nghiệp vô cùng. Làm một thằng đàn ông, lại là thằng đàn ông có võ, vậy mà tôi nỡ ngoảnh mặt làm ngơ thì liệu có xứng đáng với tinh thần thượng võ, liệu còn mặt mũi nào nhìn sư phụ tôi nữa đây? Nghĩ vậy, tôi lập tức quay xe lại chỗ cô gái…
- Trăm rưỡi đi không em?
- Cho em hai trăm đi anh, em đã phải trả tiền phòng hết tám chục rồi!
- Trăm rưỡi, đi thì đi, không thì thôi!
Cô gái tặc lưỡi leo lên xe, rồi chỉ tôi đi vòng vòng vào một con ngõ nhỏ, tới một cái nhà nghỉ heo hút, tồi tàn. Cô ấy bảo, nhà nghỉ này là rẻ và kín đáo nhất, cave cả khu này thường dẫn khách về đây. Tôi phi xe vào trong, dựng xe cẩn thận, toan lên phòng. Bỗng từ ngoài cửa, một chiếc xe máy khác phóng vào, đôi trai gái ngồi trên xe cũng ướt như chuột, không khác gì chúng tôi. Sao cái dáng người đàn ông ngồi trên xe nhìn quen thế nhỉ? Đúng rồi, là sư phụ tôi! Tôi mừng rỡ reo lên:
- Sư phụ! Sư phụ ơi!
- Ơ! Con đấy à?
- Dạ vâng! Sư phụ vào đây có việc gì thế?
- À, ta thấy nửa đêm rồi mà cô gái này vẫn đứng đón khách dưới mưa, ta thương nên giúp cô ấy thôi! Mình là con nhà võ, thấy người gặp khó khăn, không thể làm ngơ được! Thế còn con? Sao cũng ở đây?
- Dạ, con cũng làm theo lời sư phụ dạy, giúp đỡ người khó khăn ạ!
- Tốt lắm! Ta thật sự đã không lầm khi nhận con làm đệ tử! Mà này, con giúp cô ấy bao nhiêu vậy?
- Trăm rưỡi ạ!
- Đệt! Thế mà con kia nó đòi sư phụ trăm tám, khốn nạn thật!
- Thôi, mình là con nhà võ, đã giúp người thì đừng tính toán thiệt hơn. Ta lên phòng thôi sư phụ!
Tác giả: Vo_tonq_danh_meo