Từ khi loại Nga ra khỏi vùng chiến, Luận tha hồ múa gậy vườn hoang. Nó tiếp tục ra rả:
- Mũi to như thể trái gì
Hễ thấy con gái tức thì đỏ lên.
Những đứa cùng cánh hùa theo liền:
- Tức thì đỏ lên! Tức thì đỏ lên!
Nga cắn chặt môi. Nó liếc nhìn Quỳnh với vẻ áy náy. Mũi Quỳnh đang đỏ lên thật. Nó vừa đỏ vừa lấm tấm mồ hôi.
Trước tình cảnh khổ sở của Quỳnh, Nga quyết định can thiệp. Nga không thể làm thinh được nữa. Tụi thằng Luận đã tỏ ra quá quắt. Nga phải bảo vệ Quỳnh mặc cho tụi kia muốn nói gì sau đó thì nói.
Nghĩ vậy, Nga quay phắt lại, mặt hầm hầm. Nhưng nó chưa kịp mở miệng, Hạnh đã bước vào.
- Chuyện gì mà ầm ĩ vậy? – Hạnh nhướng mắt hỏi.
Sự xuất hiện kịp thời của Hạnh khiến Nga mừng rỡ. Nhưng sự tức tối nãy giờ làm Nga nghẹn cổ. Nga chẳng thốt được tiếng nào. Nó chỉ biết mím môi chỉ ra cửa sổ.
Nhưng tụi thằng Luận đã biến mất, không còn một mống. Thấy Hạnh xuất hiện, tụi nó nháy nhau chuồn nhanh như chớp. Hạnh không sử dụng bạo lực như Khải nhưng nó chuyên môn báo với cô chủ nhiệm về những hành vi phá phách trong lớp, tụi thằng Luận “rét” lắm.
Hạnh nhìn theo tay chỉ của Nga nhưng chẳng thấy gì. Nó ngạc nhiên hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Nga hổn hển:
- Tụi thằng Luận.
Khi vừa đặt chân vào lớp, Hạnh đã nhìn thấy dáng ngồi ủ rũ của Quỳnh. Bây giờ nghe Nga nhắc đến tên Luận, Hạnh hiểu ngay. Nó hừ giọng:
- Lại những trò khỉ như bữa trước chứ gì?
Rồi Hạnh gật gù, hăm he:
- Được rồi, Nga đừng lo! Hôm nào Hạnh sẽ cho các ông tướng đó một bài học mới được!
Nga chẳng biết bài học mà Hạnh hứa cho tụi thằng Luận sẽ là một bài học như thế nào, nhưng nghe Hạnh nói vậy, Nga cảm thấy lòng mình dịu lại. Nó ngồi xuống và khẽ quay sang Quỳnh.
Quỳnh đã ngẩng mặt lên. Anh ngồi thừ người, mắt nhìn chăm chăm lên bảng.
Nga chẳng hiểu Quỳnh đang nghĩ gì.
Chắc anh buồn lắm. Nga hắng giọng, gọi khẽ:
- Anh Quỳnh.
Quỳnh quay lại, mặt vẫn còn bần thần.
- Anh buồn không ? – Nga rụt rè hỏi.
- Không! Tôi quen rồi!
- Anh không buồn thật hả?
- Ừ.
Nga chớp mắt:
- Anh bảo anh không buồn, sao mặt anh có vẻ thẫn thờ quá vậy?
Quỳnh thở dài:
- Tại tôi lo đấy thôi!
Nga trố mắt:
- Lo?
- Ừ.
- Anh lo gì vậy?
Quỳnh đáp, sau một thoáng đắn đo:
- Tôi lo Nga sẽ không nói chuyện với tôi nữa.
- Sao anh lại nghĩ vậy?
- Tôi không nghĩ. Nhưng trước nay vẫn thế. Mỗi khi tụi thằng Luận giở trò, bao giờ sau đó Nga cũng không thèm trò chuyện với tôi.
Giọng Quỳnh buồn buồn.
Nga liếm môi:
- Ngay cả anh cũng vậy thôi. Anh cũng tránh nhìn mặt Nga.
Câu nói của Nga khiến Quỳnh lúng túng. Ừ, đâu phải chỉ riêng Nga, anh cũng nào có hơn gì!
Quỳnh ngập ngừng một hồi rồi hạ giọng nói:
- Nhưng bây giờ tôi sẽ không như vậy nữa.
Nga thừa biết Quỳnh muốn nói gì. Nhưng nó vẫn làm bộ hỏi:
- Không như vậy nữa là sao?
Quỳnh bối rối:
- Là… là tôi sẽ nói chuyện với Nga như thường. Tôi không sợ.
Nga mỉm cười:
- Thì bây giờ Nga cũng như vậy thôi. Nga cũng không sợ.
Quỳnh như không tin vào tai mình. Anh nhìn Nga, ngẩn ngơ:
- Nga nói thật đấy chứ?
Nga gật đầu, dịu dàng:
- Ừ, nói thật.
Khải không hiểu mình xử sự như vậy là đúng hay sai.
Vừa bước đến bên cửa sổ, với những gì mắt thấy tai nghe, Khải biết ngay chuyện gì đang xảy ra.
Trong kia, Nga và Quỳnh đang bị tấn công. Phía ngoài, cánh thằng Luận đang ra sức chọc ghẹo. Lại những trò quỉ quái ! Khải bực tức nhủ bụng và anh quay sang nhìn Luận. Vẻ lấc cấc của Luận khiến Khải cau mày. Anh định tóm cổ nó như lần trước. Nhưng Khải chưa kịp đưa tay lên, chợt một ý nghĩ thoáng qua đầu như tia chớp. Ừ, có khi cứ để tụi thằng Luận phá đám như vậy lại hay ! Những ngày gần đây, Nga và Quỳnh lại tỏ ra thân mật một cách quá đáng. Cứ nhìn thấy cảnh cả hai ngồi trò chuyện bên nhau không buồn ra chơi, Khải muốn xốn con mắt.
Mặc dù đã xác định “chinh phục” những nhân vật phụ trước, “chinh phục” Nga sau, nhưng mỗi lần thấy Nga và Quỳnh cười nói vui vẻ, Khải cảm thấy khó chịu lạ lùng. Muốn “giải tán” cặp này không có cách nào tốt hơn là để mặc cho tụi thằng Luận ra tay.
Nghĩ vậy, Khải ngần ngừ một thoáng rồi lặng lẽ bỏ đi trước cặp mắt sửng sốt của Luận. Tất nhiên, nếu lúc đó Nga nhìn thấy Khải, hẳn Khải phải buộc lòng can thiệp. Nhưng Nga đang cúi đầu xuống. Vì vậy, Khải quyết định rời xa “chiến trường”. Anh bước vội vã, sợ Nga kịp ngẩng lên.
Khải bỏ đi. Nhưng lòng Khải không thanh thản lắm. Anh cảm thấy mình hành động như một kẻ tiểu nhân. Nhưng rồi Khải cố trấn an. Mình đâu có xúi tụi thằng Luận làm bậy. Tự tụi nó. Điều đó chẳng liên can gì đến mình. Nga thân thiết với thằng quỷ nhỏ thì Nga phải chịu búa rìu của dư luận. Chuyện đời là vậy. Gieo gió thì gặt bão, trách ai bây giờ!
Khải tự thanh minh với mình. Lòng Khải dần dần nhẹ nhõm. Và anh tự kết luận: chiến trường trong lớp là của thằng quỷ nhỏ, chiến trường của mình là ở nhà… Nga, chuyện ai nấy lo, mình không can thiệp vào chiến trường của người ta là đúng, không việc gì phải băn khoăn!
Khải hết băn khoăn thật. Bây giờ anh chỉ tập trung đầu óc vào việc thực hiện kế hoạch chông gai của mình.
Chiến trường ở nhà Nga là chiến trường thầm lặng. Ở đó không có đám “âm binh” như tụi thằng Luận. Khải chẳng sợ ai trêu chọc. Cũng chẳng sợ ai phá đám. Ở đó, chỉ có “phe mình”. Nga, chị Ngàn, thằng Ngoạn. Ông bố Nga, Khải ít gặp, nhưng Khải vẫn xếp vô diện “phe mình” nốt. Chỉ toàn là “phe mình” mà sao Khải thấy “khó ăn” ghê !
Trừ Nga, trong ba “nhân vật” còn lại, đến nay Khải chỉ mới chiếm được cảm tình của chị Ngàn.
Chị Ngàn thật dễ thương. Chị rất “hợp gu” với Khải, chẳng như Nga. Những băng nhạc Khải cho mượn, chị đều khen hay. Những cuốn sách cũng vậy, chị bảo đọc hồi hộp ghê. Nhưng khổ nỗi, những gì chị Ngàn thích, Nga đều chê. Nga chỉ thích những gì Khải không có. Thật chẳng có ai kỳ cục như Nga.
Thằng Ngoạn giống Nga y hệt. Nó tỏ ra chẳng có thiện cảm với Khải bao nhiêu. Lần nào gặp Khải, nó cũng réo ầm ĩ “bạn chị Ngàn, bạn chị Ngàn”, nghe phát điên. Khải thù cái “điệp khúc” đó tận xương tủy. Nhưng ngoài mặt Khải vẫn phải nhe răng cười giả lả. Khải không hiểu sao trong hai người chị, thằng Ngoạn không chọn chị Ngàn mà giống, lại đi giống Nga chi cho khổ… Khải.
Ông bố Nga chẳng biết đi làm tận đẩu tận đâu, hai ba ngày mới về nhà một lần. Ông chẳng quan tâm gì đến Khải. Thỉnh thoảng gặp Khải trong nhà, ông cười chào qua loa, rồi đi đâu mất. Nhìn ánh mắt mệt mỏi và hờ hững của ông, Khải biết lần sau nếu gặp lại, chắc ông cũng chẳng nhớ Khải là ai. Khải đoán ông là một con người dễ chịu và hoàn toàn có khả năng làm… bố vợ tương lai của mình.
Gay go nhất vẫn là Nga, cái mục tiêu luôn luôn di động, Khải chẳng làm sao tiếp cận được. Lại thêm thằng quỷ nhỏ lúc nào cũng đeo dính lấy Nga như bóng với hình. Khải là lớp phó trật tự nhưng anh cũng chưa nghĩ ra cách nào để phá vỡ cái “trật tự” kia được. Chẳng biết cái đứa ác ôn nào lại xếp Nga ngồi vào cái chỗ hắc ám như vậy! Chắc là nhỏ Hạnh! Lớp trưởng gì mà chẳng ý tứ gì hết! Từ trước đến giờ, chẳng đứa con gái nào trong lớp chịu ngồi cạnh thằng quỷ nhỏ, vậy mà Hạnh lại nhét Nga ngồi vào chỗ đó. Để bây giờ Nga lại đâm ra “kết” thằng quỷ đó. Thật là tai họa!
Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, Khải
thấy không có cách nào khác hơn là phải “tăng tốc” để cứu vãn tình thế. Không thể lề mề hoài như Thủy Tinh được. Đi như cua bò, đến nơi thì Mỵ Nương đã theo người ta về dinh mất. Lúc đó chỉ có nước… khóc.
Khải liền tót qua nhà Nga. Lần này, Khải thủ trong túi áo ba cái vé xem ca nhạc.
Không thấy thằng Ngoạn quanh quẩn trước sân như mọi ngày, Khải thở phào. Chắc nó đi chơi đâu rồi. Thật là hên. Mình khỏi phải bị nó gán cho cái danh xưng chết tiệt kia. Khải hít một hơi đầy lồng ngực và thò tay mở cổng.
Chị Ngàn và Nga đều có nhà.
Nhưng cũng như mọi lần, Nga chỉ ngồi tiếp chuyện Khải một chút xíu. Sau đó, Nga bỏ đi mất.
Chị Ngàn nhún vai, nói với Khải:
- Tính Nga vậy! Chị nói hoài mà nó chẳng sửa!
Khải chép miệng, không nói gì. Khải dã quen với tình cảnh như vậy rồi. Anh chỉ buồn chút chút. Và nghĩ: rồi mọi chuyện sẽ khác đi thôi!
Niềm hy vọng thầm kín giúp Khải tươi tỉnh. Anh thò tay vào túi lấy mấy tấm vé ca nhạc đưa cho chị Ngàn:
- Chị đi xem ca nhạc không? Em có vé đây nè!
Chị Ngàn cầm lấy vé, hỏi:
- Xem ca nhạc hả? Sao lần trước em bảo là đi xem phim?
- Em nói đi xem phim là đi xem phim ca nhạc. Còn bây giờ là đi xem ca nhạc “sống”, thích hơn nhiều!
Chị Ngàn gật gù:
- Ừ hén!
Rồi chị nhìn Khải:
- Đoàn nào diễn vậy? Phải đoàn ca nhạc Tháng Tám không?
- Không, đây là tụi nước ngoài! Nhóm “Ngôi sao thành Stockholm” của Thụy Điển !
Chị Ngàn reo lên:
- Ôi, vậy thì thật là tuyệt! Hóa ra đây là ban nhạc đến từ xứ sở của ABBA!
Rồi ngay lập tức, chị nhìn xuống mấy vé nơi tay, giọng hào hứng:
- Chừng nào đi xem vậy?
Khải vui vẻ đáp, giọng anh cũng hào hứng không kém:
- Tối mai. Bảy giờ rưỡi. Ngày giờ có ghi sẵn trên vé đó chị.
- Ừ, tối mai chị sẽ đi với em.
Vừa nói, chị Ngàn mân mê mấy tấm vé với vẻ thích thú. Chợt chị ngước mắt lên nhìn Khải, giọng ngạc nhiên:
- Ủa, em có tới ba vé lận hả?
Khải đâm ra lúng túng trước câu hỏi bất ngờ của chị Ngàn. Từ nãy đến giờ, Khải tưởng chị Ngàn đã biết mình cầm mấy tấm vé trên tay. Và hẳn chị cũng biết Khải định “phân phối” tấm vé thứ ba ấy cho ai. Hôm trước chị chẳng đã nói “hôm nào có gì hay hay, Khải nhớ rủ chị và Nga đi với” là gì! Ai chứ chị Ngàn thì chị biết tỏng bụng dạ Khải. Vậy mà không hiểu sao hôm nay chị lại hỏi Khải một câu lơ đễnh như thế! Chị làm Khải cứ ấp a ấp úng.
Chị Ngàn dường như vẫn chưa hiểu điều gì đang xảy ra. Chị có vẻ lấy làm lạ trước sự ngượng ngập của Khải. Chị đang định mở miệng hỏi, thốt nhiên chị sực hiểu. Và chị bật cười:
- Chà, chị hỏi một câu ngô nghê quá!
Rồi không để Khải kịp nói gì, chị gục gặc đầu, chép miệng:
- Để chị rủ Nga đi!
Chị Ngàn hứa hẹn, giọng chắc chắn như đinh đóng cột khiến Khải mừng rơn. Khải không ngờ kế hoạch của mình lại diễn ra trôi chảy đến như vậy. Suốt từ lúc đó cho đến khi ra về, Khải tưởng như mình đang ngồi lơ lửng trên mây.
- Tối mai sao? – Chị Ngàn hỏi khi đưa Khải ra cổng.
Khải ngơ ngác:
- Thì… đi xem ca nhạc chứ sao!
Chị Ngàn mỉm cười:
- Nhưng mà em qua chị hay chị qua em?
Khải hắng giọng:
- Thôi để em qua chị đi!
Chị Ngàn gật đầu:
- Vậy chị và Nga đợi em ở đây khoảng bảy giờ hén?
Khải vui vẻ gật đầu và ra về trong tâm trạng hớn hở. Khải phải cố kềm chế để khỏi nhảy cẫng lên trước mặt chị Ngàn. Nếu trông thấy Khải múa may, hẳn chị Ngàn sẽ tưởng Khải điên. Và như vậy, chị sẽ không thèm cho Khải bén mảng đến nhà, không thèm đi xem ca nhạc với Khải. Và tối mai, hẳn chị sẽ không rủ Nga đi theo.
Tối mai, tối mai – Khải nghe những tiếng reo vang trong đầu mình – tối mai những ngôi sao thành Stockholm sẽ chiếu sáng đời ta! Tối mai, những người anh em của ABBA sẽ tạo cơ hội cho ta ngồi gần… bộ mặt khó đăm đăm của “nàng”. Nhưng dù “nàng” có khó đến đâu, ta cũng sẽ có cách làm cho “nàng” thay đổi. Đột nhiên Khải chợt nhớ tới một điệu quen thuộc trong bài “Take a change on me”, và anh lẩm nhẩm hát:
- If you change your mind, I’m the first in line. Honey, I’m still free. Take a change on me…
Khải vốn không thích ABBA. Anh thích sự sôi nổi của Michael Jackson và Madonna hơn. Nhưng lúc này anh lại hướng trái tim mình về phía ban nhạc Thụy Điển. Và bản nhạc mà Khải đang thầm hát mới hợp tình cảnh làm sao. Vừa hát, Khải vừa thầm chuyển sang lời Việt. Tất nhiên, “bản dịch” này chỉ riêng anh nghe thấy:
- Nếu Nga thay đổi ý kiến (Nghĩa là Nga nghỉ chơi với thằng quỷ nhỏ) Tôi sẽ là chàng trai đầu tiên đi theo Nga. Nga yêu dấu, bây giờ tôi đang còn tự do. Nga hãy thay đổi cuộc đời tôi đi!
Tâm đắc với “bản dịch” của mình, Khải cứ hát lui hát tới đoạn nhạc trên. Bất thần, như có ma xui quỷ khiến, Khải bỗng nhớ một bản nhạc khác. Cũng của ABBA. Bản “The day before you came”. Một ngày trước khi em đến. Nghe từa tựa như hoàn cảnh của Khải. Với Khải, tình huống hơi khác một chút xíu. Em đến, nhưng không phải đến nhà, mà đến nhà hát. Khải tặc lưỡi: khác nhau chút xíu chẳng nhằm nhò gì! Tối mai dẫn Nga đi xem ca nhạc thì bữa nay the day before thì đúng : Dc rồi! Lần này, Khải tự soạn lời Việt và hát luôn. Anh không quên thêm mắm thêm muối vào bài hát:
- Một ngày trước khi dẫn Nga đi chơi. Tôi mở cửa lúc tám giờ. Một ngày trước khi dẫn Nga vào rạp hát. Tôi ghé vào cửa hàng mua một ít chocolate. Một ngày trước khi ngồi… bên cạnh Nga. Tôi ăn tối và xem ti- vi…
Một ngày trước khi, Khải còn làm biết bao nhiêu chuyện nữa. Nhưng chuyện chiếm hết thì giờ của Khải trong ngày hôm đó là cho đến tận bảy giờ tối ngày hôm sau là… ngồi tưởng tượng đủ thứ.
Hôm sau, đồng hồ mới gõ sáu tiếng, Khải đã nhấp nhổm. Khải nhìn ra đường, thấy nắng chiều đã tắt nhưng đêm thì chưa tới. Còn cả một tiếng đồng