nhỏ bé đã mờ đi vì hơi sương, Thuỳ tắt máy điện thoại để bạn trai khỏi quấy rầy chúng tôi, tôi thấy hơi ngài ngại vì điều đó nhưng rồi mặc kệ tất cả, chúng tôi sẽ cháy hết mình trong đêm nay ở đây.
Chúng tôi quậy tưng bừng, quậy tới bến cho tới chừng quá nửa đêm mới trở về phòng, người bảo vệ khách sạn choàng tỉnh khi thấy tôi khẽ thúc cùi trỏ vào cánh cửa, tôi chìa ra cho ông 2 củ khoai nướng nóng hổi kèm theo một nụ cười tươi như hoa hướng dương, ông cười và vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi vào. Đêm ấy, chúng tôi hàn huyên cho tới gần sáng, chúng tôi nói cho nhau nghe về những ngày tháng sinh viên của mình, về những kỷ niệm của tuổi thơ, của gia đình và bè bạn, chúng tôi cởi mở, không giấu nhau điều gì, nhờ vậy mà tôi biết được cuối năm nay Thuỳ sẽ cưới anh bạn trai đã gắn bó gần 4 năm của mình. Tôi âm thầm cầu chúc cho Thuỳ được hạnh phúc khi bước vào con đường gia đình mà người phụ nữ phải hy sinh nhiều hơn cho những gì họ nhận được. Còn tôi, tôi sẽ ra sao sau chuyến đi này, tôi sẽ tiếp tục đơn thương độc mã đi trên con đường mà tôi đã lựa chọn hay tôi sẽ vướng phải lưới tình của một anh chàng nào đó rồi dừng cái ước mơ, cái hoài bão lớn lao của mình lại để chăm sóc cho một ông chồng và vài đứa con cho đến khi ngoảnh lại tôi đã thấy tóc mình lốm đốm trắng từ bao giờ. Tôi sợ hãi, trùm chăn kín đầu để xua đi cái ý nghĩ đáng sợ đang len lỏi trong tim. Thuỳ đã ngủ rồi, không biết trong mơ cố ấy có gặp mẹ mình? Mẹ Thuỳ mất từ cách đây 2 năm, kể từ ngày đó ba cô ấy dồn hết tình yêu thương còn lại cho cô ấy. Ba Thuỳ là một giáo sư đầu ngành về phẫu thuật chỉnh hình, ông có phòng mạch riêng và hiện giờ Thuỳ đang kế nghiệp cái phòng mạch đó. Ba Thuỳ kiếm được rất nhiều tiền nhờ tài năng của ông và vì thế mà ông chẳng tiếc con gái cưng điều gì, ngay cả chiếc xe hơi đắt tiền Thuỳ đang lái cũng là của ông tặng cô khi cô tròn 25 tuổi. Dù sao thì Thuỳ vẫn cứ là một tiểu thư, một kiểu cành vàng lá ngọc mà những người như tôi ít khi dám kết bạn thân thiết.
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm và thực hiện hành trình trở về, ai cũng uể oải vì mệt, háo hức vì sắp được về nhà, riêng tôi còn kèm theo cảm giác luyến tiếc gì đó thật kỳ lạ. Bỗng tôi thấy cồm cộm nơi túi quần, tôi móc ra viên sỏi mà mấy hôm trước tôi đã nhặt ở dòng suối, cũng không còn nhớ là mình cất nó vào đây nữa, tôi đưa nó lên ngắm nghía và bằng một động tác trân trọng nhất tôi chìa nó cho Thuỳ : – Tặng bác sỹ! Thuỳ thích lắm, cô ấy còn ngắm nghía nó hồi lâu rồi mới cất vào túi xách tay : – Cảm ơn Lam! Mình sẽ mãi là bạn tốt nhé! Tôi cảm động gật đầu vì không nghĩ Thuỳ sẽ còn nhớ đến tôi sau chuyến công tác này.
* * *
Trở về sau đợt công tác dài ngày, tôi nhảy ba bước một lên cái bậc tam cấp rồi ôm chầm lấy mẹ mà hôn hít, mẹ tôi thấy tôi cũng mừng vô hạn, tay bà vẫn còn đầy bọt nước rửa chén, bà âu yếm mắng tôi : – Mày cứ như trẻ con ấy, xê ra cho mẹ rửa nốt đống bát. – Vâng! Thế ba con và bác Dũng đâu rồi ạ? – Đang trong phòng xem tivi đó con. Tôi chạy ào vào như một cơn gió, bác Dũng thấy tôi đã rối rít : – Con về rồi à?
Còn ba tôi thì chỉ im lìm, nhìn tôi và gật đầu chào, ba tôi là vậy, rất ít nói không chỉ với riêng tôi nhưng tình thương của ông thì không ai sánh được, có điều ông chẳng bao giờ nói ra điều đó. Tôi hăng hái mở ba lô lôi ra từng thứ quà cho mọi người, bác Dũng cầm món quà của tôi và bảo : – Dìu bác lên phòng nào con. Tôi vội chạy lại cho bác vịn vai, vừa ra đến cửa bác đã hỏi tôi : – Bác sỹ Thuỳ có khoẻ không con? – Rất khoẻ bác ạ, chỉ thiếu voi để vật thôi ạ. – Nghe mẹ mày nói mày bắt nạt người ta. – Xì! Bác tin mẹ cháu hả, ngược lại thì có, cháu chăm bẵm cô ấy đến nơi đến chốn mà, dù gì cũng là ân nhân của gia đình ta.
Bác tôi gật gù ra chiều tin tưởng vào cái điều tôi vừa nói lắm. Tôi không nói với bác về những gì chúng tôi cùng trải qua với nhau ở đây, qua kỳ công tác đặc biệt ấn tượng này nhưng nhìn vẻ mặt tôi, chừng ấy thôi cũng đủ để bác nhận ra tâm trạng tôi thế nào. Bác Dũng của tôi sống hiền lành chất phác nhưng hiếm khi tôi thấy ông thể hiện tình cảm của mình với ai rõ ràng như với Thuỳ. Bác tôi trước làm kỹ sư cơ khí, có xưởng sửa chữa xe hơi riêng nhưng một người hiền lành thì rất khó để bon chen trong cái xã hội hiện đại với tốc độ sống nhanh đến chóng mặt thế này. Thế nên bác tôi mệt mỏi và sang tên cái xưởng đầy tâm huyết ấy sang cho một người bạn của bác. Bạn bè tôi nhất là Nhi vẫn nói với tôi hãy cứ ngoan ngoãn với bác để rồi bao nhiêu của nả ông sẽ di chúc lại hết cho tôi. Tôi cười như ma làm, tôi chưa hề một lần mảy may nghĩ đến điều đó mà trong tôi chỉ đơn giản chỉ là một tình cảm chân thành dành cho ông bác độc thân đáng kính của mình mà thôi.
Quả thật là ngoài việc là một phóng viên nhiều triển vọng ra tôi không phải là người kiếm được quá nhiều tiền, phần vì tôi có ba mẹ đỡ đần phần nữa là vì tôi độc thân đâu cần lo cho ai đâu, cứ kiếm được bao nhiêu nộp cho ba mẹ và ăn tiêu bấy nhiêu, cuộc sống thế là ổn, cần gì phải dành dụm. Thế nhưng việc thừa tự cái cơ nghiệp của ba và bác tôi là điều tôi chẳng màng tới, đơn giản chỉ vì tôi là tôi, một kẻ không thích ăn bám.
* * *
Sau chuyến đi công tác, Uy tỏ ra khác với tôi hơn, hắn ta nhẹ nhàng hơn nhưng con mắt ẩn chứa một mưu đồ mà tôi chưa rõ động cơ. Tôi thấy mình sẽ phải cảnh giác. Thế nhưng thế gian có câu phòng người ngay chứ phòng sao nổi kẻ gian. Tôi không thể phòng cái người cố ý phá mình. Uy đã soạn một bản báo cáo thu hoạch sau chuyến đi mà không có sự tham gia hay đóng góp ý kiến của tôi nhưng bên dưới vẫn có tên tôi trong danh sách soạn thảo. Bản báo cáo thu hoạch có một số chi tiết không đúng như việc “Chúng tôi ăn uống kham khổ, ở chật chội và có những hôm thức đêm đến sáng để lấy tư liệu…nhưng trong hoàn cảnh khốc liệt đó vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Tôi không đồng tình với cách viết tâng bốc mình lên như thế nhất là khi Uy chưa một lần xuống bản. Tôi không thèm chấp cái chuyện trốn việc của Uy nhưng nếu hắn phản ánh đúng sự thật và khiêm tốn thì tôi cũng bỏ qua nhưng làm thế này với nghề báo là không được.
Tôi cầm tập tài liệu và sang phòng Uy trước con mắt đầy lo lắng của Nhi. Uy đang ngồi xoay mặt về phía cửa sổ và ngả người trên chiếc ghế tựa bọc da đen, hắn đang say sưa tán chuyện điện thoại với ai đó, thái độ rất đong đưa. Tôi kiên nhẫn ngồi xuống ghế chờ hắn, khoảng gần 10 phút sau, Uy mới kết thúc cuộc điện thoại, hắn giật mình khi thấy tôi ngồi đó, thấy tập tài liệu, hắn biết chuyện gì. Hắn nhẹ nhàng lấy ấm pha trà và giọng điệu đon đả : – Chào Lam, sang đến nơi mà không gọi tôi, khổ quá, có mấy anh bạn cứ rủ đi nhậu nhẹt nhưng tôi nào thích mấy thứ đó, say rượu mất tư cách lắm. Tôi cười và vẫn điềm nhiên : – Vâng, không có gì, không có khách hàng như anh thì điện thoại bán dịch vụ cho ai vả lại mấy khi tôi sang phòng anh đâu, nhân thể ngồi ngắm nghía mấy thứ. – Lam uống nước đi rồi mình nói chuyện, tôi biết Lam sang đây vì lý do gì rồi. – Tôi đang chờ một lời giải thích từ anh. – Thì Lam cứ thử xem, bản báo cáo đâu có ảnh hưởng đến ai, nó không làm Lam xấu đi, không ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế của Lam, không thoá mạ, xúc phạm nhân phẩm Lam mà ở một khía cạnh khác nó còn làm tăng giá trị của Lam. – Anh nói hay lắm nhưng anh còn chưa hiểu hết về tôi, tôi muốn mọi người tôn trọng tôi ở những việc tôi làm, ở những thực tế mà tôi tôi nhìn thấy và phản ánh chứ không phải bằng cái cách tự đánh bóng tên tuổi mình. – Được, tôi sẽ làm theo ý Lam, tôi sẽ sửa lại bản báo cáo ấy cho phù hợp. – Tôi đánh giá cao tinh thần tiếp thu ý kiến cấp dưới của anh, mong là chúng ta sẽ hiểu nhau hơn trong các lần hợp tác sau.
Tôi đứng dậy và Uy cũng đứng dậy sau tôi, hắn chìa tay ra bắt tay tôi rất thân thiện. Tôi đi rồi Uy gọi ngay cho nhân viên : – Hoà, chỉnh ngay cho anh bản báo cáo này. – Anh muốn chỉnh theo hướng nào? – Bỏ tên Trần Hải Lam đi. Uy bỏ điện thoại xuống, trên môi nở một nụ cười nửa miệng đầy xảo quyệt.
Sau khi đi công tác về Thùy đã suy nghĩ rất nhiều, trong mắt đồng nghiệp và bạn bè Thuỳ là một người ít vốn sống ngoài đời, với họ Thuỳ quá đơn giản, quá vô tư, nhàn nhã hưởng thụ những gì mà cha mẹ mình sắp đặt sẵn, cô đã có một vị hôn phu tương lai quá mỹ mãn về cả vật chất lẫn hình thức, cô sẽ chẳng bao giờ phải lo nghĩ gì về tương lai của mình cả. Cô không hiểu biết nhiều về nhân tình thế thái, cô sống mẫu mực như một công thức đã thiết lập trước, cuộc sống của Thuỳ cứ đều đều trôi qua yên ả, không có sự đột biến nào đáng kể. Cứ nghĩ thế sung sướng và hạnh phúc lắm rồi. Nhưng sự thật Thuỳ không như thế, họ nghĩ chưa hết về Thuỳ, Thuỳ cũng biết cảm nhận nỗi đau của bệnh nhân hay người thân của họ, Thuỳ biết cái xã hội VN bây giờ đang chuyển mình mạnh mẽ. Thùy biết cuộc sống không toàn màu hồng. Trước khi quen và yêu Bảo, Thuỳ là một cô gái đầy năng động, tự tin, kiêu ngạo và rất bướng bỉnh nếu không muốn gọi là “đầu gấu”. Thuỳ có lối sống cực kỳ hiện đại, hiện đại từ quan điểm tới hình thức. Thuỳ táo bạo trong cách ăn mặc, trang điểm, táo bạo trong học tập và trong cuộc sống. Phương châm sống của Thuỳ là sống trước hết là cho mình vì thế phải sống thật vui, thật khoẻ, sống phải biết hưởng thụ những giá trị vật chất do chính mình tạo ra. Thuỳ có thể tự quyết định một vấn đề gì đó mà không cần tham khảo bất kỳ ý kiến ai kể cả cha mẹ, sau này khi quen và yêu Bảo và nhất là sau khi mẹ mất, Thuỳ đã thay đổi hẳn.
Bảo, hôn phu tương lai của Thuỳ là một chàng trai khá thành đạt, tinh tế là hình mẫu lý tưởng của khá nhiều cô gái, anh yêu chiều Thùy, Thùy không hề mảy may nghi ngờ về tình yêu của anh ấy dành cho Thùy nhưng đấy mới chính là sự sắp đặt mà 2 bên gia đình đã thỏa thuận từ trước. Thùy ngoan ngoãn nghe theo lời cha mẹ như một đứa con có hiếu, cả hai đứa từng đi du học cùng nhau, anh ấy hơn Thùy 4 tuổi, khá chững chạc. Với Thuỳ được kết hôn và sống cùng anh ấy là trọn vẹn cái mục đích của một người phụ nữ, mẹ bảo Thuỳ như thế. Từ đó Thuỳ ít khi đi đâu xa mà không có Bảo, thế giới của Thuỳ chỉ còn có Bảo, dần dần nó mặc nhiên trở thành một thói quen, nói một cách đơn giản là Thuỳ đã lệ thuộc khá nhiều vào Bảo và nó chính là nguyên nhân để Bảo lấn lướt Thuỳ sau này. Cuộc sống cứ như thế đều đều trôi qua, không đột biến, không mới lạ, không hào hứng cũng chẳng mê say. Nếu như không có chuyến đi công tác vừa rồi với Lam, Thuỳ cũng sẵn sàng cho cái hôn ước đã định sẵn ấy nhưng Lam đã thổi vào cuộc sống tẻ nhạt của Thuỳ một làn gió mới, Thuỳ bỗng thấy con người thật của mình như sống lại, Thuỳ khát khao được sống một cuộc sống phóng khoáng như Lam, khát khao được tìm hiểu cái thế giới bên ngoài đầy màu sắc chứ không phải cái thế giới thượng lưu đầy lễ giáo mà bạn trai cô vẫn mang cô tới đó. Tất cả những thứ đó cô thấy được ở Lam và cô đã nghĩ về Lam mỗi ngày, cô nghĩ về việc sẽ gặp Lam nhiều hơn, sẽ học hỏi ở Lam những điều cô cần phải có.
* * *
Chiều hôm ấy khi tôi đang lang thang trong cái nắng “kinh hoàng” mùa hạ, trời oi bức như sắp đổ một cơn giông, nắng từ trên cao đổ xuống, hơi nóng từ mặt đường trải áp-phan bốc lên, cái nắng nóng xông vào tận con mắt tôi, nước mắt chảy ra không kiểm soát được, đâu đó trên đường đã xuất hiện những đợt sóng nắng như người ta vẫn thường thấy khi đi trên sa mạc. Đúng lúc ấy tôi nhận được lời nhắn của Thuỳ : – Hôm nay là ngày một người đã sinh ra đời, cái người đã tặng bạn quà sinh nhật và giờ người ta đòi bạn phải trả lại cho người ta một món quà, đi uống cà phê với Thuỳ nhé!
Tôi ngẩn người, giữa cái nắng như thiêu như đốt mà da tôi cứ nổi lên đầy nốt như da gà. Trong chốc lát tôi còn chưa kịp hiểu tin nhắn của Thuỳ, một cái tin nhắn nửa như mời mọc nửa như áp đặt, sinh nhật Thuỳ à. Ừm, nhưng mà người ta không thể đi sinh nhật mà không có quà, đúng rồi, sinh nhật là phải tặng quà. Quà hả? Lại là một vấn đế mới phát sinh nhưng quà gì nhỉ, mình phải tặng quà gì cho người ta đây nhỉ? Cứ như những đứa bạn thông tường khác thì tôi có thể ghé tiệm mua son, phấn, nước hoa hoặc cứ huỵch toẹt “Mày thích gì, nói mau!”. Nhưng với Thuỳ thì…Ôi sao tôi đau đầu thế này. Quà sinh nhật, uống cà phê, uống cà phê, quà sinh nhật tôi cứ lẩm bẩm như niệm chú thế cho đến khi về nhà, tôi ào vào tắm táp những mong trong cái mát lạnh của nước đầu óc tôi tỉnh táo có thể tôi nghĩ ra điều gì đó chăng. Quả thật sự sáng suốt của tôi không phụ tôi. Tôi lập tức ăn vận chỉnh tề và dõng dạc : – Bu à! Cắt cơm con nhé! – Mày lại đi đâu thế hả con? Nóng thế này ăn uống ở nhà có phải vệ sinh không? Tôi tiến lại hôn đánh chụt vào má mẹ : – Mẹ đừng lo, con đi với người nhìn đâu cũng thấy vi trùng mà, sẽ không ăn uống nhộm nhạo đâu.
Chỉ kịp như vậy là tôi biến, dắt chiếc xe kềnh càng của mình ra cửa và mỉm cười khi biết rằng cửa sổ trên cao có ông bác già đang nhìn xuống lắc đầu. Tôi cho xe dong thẳng đến cửa hàng đồng hồ quen thuộc, lựa mãi tôi mới tìm được một chiếc vừa ý, tất cả các loại đồng hồ đeo tay của tôi đều có xuất xứ từ cái cửa hàng này, tôi chuộng nó không hẳn là vì kiểu cách mà là vì cả cái chất lượng của hàng bán ra. Cô bé bán hàng nhìn cái model của tôi và kết như điều đổ : – Chị cắt tóc ở đâu mà đẹp thế ạ? – Có giảm giá thì nói không thì thôi chị giữ làm bí mật. Tôi vừa nói đùa vừa cười, cô bé toe toét : – Èo, em mà giảm được thì tặng chị luôn đấy chứ. Trông chị xinh quá! Tôi cười làm duyên trước câu khen của cô bé. Cặp mắt kính đen che bớt đi vẻ sung sướng trong mắt tôi.
Còn khá sớm để đến chỗ hẹn. Tôi vui vẻ đi trong cái nóng hầm hập của đường phố về chiều, cứ thong thả dạo chừng 20 phút để ngắm nghía sự nhộn nhịp, hối hả của dòng người tan ca, lạc lõng có mỗi mình tôi cứ thảnh thơi, ung dung tự tại. Chắc có người sẽ nhìn tôi như một kẻ rỗi hơi, vô công dồi nghề đi dạo ngoài đường lúc này. Thây kệ, quan trọng là cái điểm hẹn sắp tới chứ mấy chuyện ai đánh giá tôi cho qua luôn. Tôi quay lại điểm hẹn vẫn còn sớm hơn 15 phút, nghĩ mình như thế là cũng rất lịch sự và tôn trọng Thùy rồi. Ai ngờ, tôi vừa bước chân vào quán, Thùy đã đón tôi với một nụ cười mà dù cho Thùy có ở tận góc nhà tôi cũng vẫn thấy vì sự rực rỡ của nó. Tôi đâm bối rối, tay chân lại hơi run rồi, tôi lườm nó và định bụng sẽ gửi nó vào bệnh viện nếu nó còn vang lên cái điệp khúc “trùng trùng quân đi như sóng” thế này. Điều hòa mát lạnh mà lưng tôi mồ hôi vẫn chảy. Tôi cố cười thật tươi để che dấu đi vẻ mất bình tĩnh : – Thùy! Thùy đến sớm thế? – Thùy sợ có người lại làm toáng lên nếu Thùy không có mặt đúng giờ.
Thùy đang cạnh khóe tôi cái vụ ở bệnh viện lúc tôi đưa bác Dũng vào đấy. Được rồi, Lam không chịu thua đâu, tôi định bụng sẽ tìm cách trả đũa cô bác sỹ tưởng như hiền lành này. – Nhưng hôm nay không có bệnh nhân nhỉ? – Có đấy, có người đang mắc chứng Parkinson kìa. – Lam nhớ là hôm nay sinh nhật Thùy chỉ bảo mời có Lam, không lẽ còn có anh bạn trai già nào có bệnh Parkinson sao? – Tiếc là trẻ đã mắc bệnh ấy rồi. Mà thôi không sao, Lam ngồi đi, đứng lâu thế bệnh nó thêm trầm trọng.
Đến trang: