TÔI LÀ CÔ GIÁO VÙNG CAO
--------------------------------------
Suốt hai ngày đầu tiên đặt chân lên cái huyện vùng cao hẻo lánh, heo hút này, mình chỉ ở lì trong phòng và khóc. Mình nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ người yêu, nhớ bạn bè; nhớ những buổi chiều bên ghế đá, ngắm tháp Rùa xa xa, có những con sóng lăn tăn, có lá vàng bay nhẹ nhàng, êm ả, sau lưng là còi xe, là dòng người hối hả; nhớ những buổi cả đám rong ruổi đi ao sen chụp ảnh, rồi kéo qua ăn bánh tôm phủ Tây Hồ; nhớ những đêm gió lạnh ùa về, bên quán vỉa hè, mấy đứa quây quần, chuyền tay nhau bắp ngô nướng xém, xuýt xoa, phả khói thơm nồng; nhớ cả những ngày đầu đông, dưới rặng hoa sữa ngạt ngào, anh ôm em thật chặt, hôn em thật lâu, như thể sợ rằng cái rét mướt sẽ làm đôi môi em giá buốt, để rồi nụ hôn và hương hoa nồng nàn ấy, cùng với anh, theo em cả vào trong giấc mơ. Những điều tưởng như bình thường và giản đơn ấy, sao giờ đây, lại đang cắn lòng mình đến nhức nhối, cồn cào…
Ngoài kia, không còn những dòng người xe đua chen ồn ã, chỉ có con đường mòn gầy gò, quanh co, khắc khoải; không còn những đèn cao áp sáng lung linh, sặc sỡ, chỉ có những lùm cây im lìm, quạnh hiu, hoang hoải; không còn những tòa nhà chọc trời uy nghi, lộng lẫy, chỉ có những ngọn núi chơ vơ, lạnh lẽo, cô đơn, mây phủ chập chờn; không còn hơi ấm, chỉ còn lạnh giá, không còn tiếng cười, chỉ có những giọt nước mắt nhạt nhòa, giàn giụa…
Mình thèm được nghe tiếng mẹ bên tai, bởi không thể chịu nổi trong lòng những trống trải đang giằng xé. Với tay lấy cái điện thoại, bấm số như một thói quen, nhưng cuộc gọi không thực hiện được, lí do: không có sóng! Mình lại lóp ngóp ra khỏi giường, men theo con đường đất ngoằn ngoèo, băng qua nửa quả đồi, nơi đó có ngôi nhà lụp xụp, có người láng giềng gần nhất.
- Con chào bác, con có thể gọi nhờ điện thoại của bác không? Điện thoại của con mất sóng…
- Chào cô, ở đây thì điện thoại nào cũng mất sóng thôi, muốn gọi được, cô phải leo lên ngọn núi kia kìa.
Nói rồi bác ấy chỉ tay về phía ngọn núi chót vót phía sau lưng. Nhưng không sao, mình thà leo lên đỉnh núi đó còn hơn là nằm gặm nhấm nỗi cô đơn. Sau hơn hai tiếng trầy trật, cuối cùng, mình cũng đã lên tới đỉnh. Đúng là trên này có sóng thật, nhưng chỉ được một vạch, thành ra chất lượng cuộc gọi rất kém, đôi khi, mình chẳng biết mẹ đang nói gì, chỉ có tiếng khóc của mẹ, và cả tiếng khóc của mình, là nghe rõ nhất. Nhưng không sao, được nghe tiếng mẹ, được khóc với mẹ, thế là đủ rồi! Còn những điều mẹ nói thì mình cũng tự đoán được: nào là con phải cố gắng lên, chỉ hai năm thôi, rồi mẹ sẽ vay chạy để xin chuyển con về dạy ở Hà Nội. Nhà ta không giàu, lại không ai làm to, phải chấp nhận thiệt thòi vậy con ạ! Cố lên, hai năm nhanh thôi mà…
“Hai năm nhanh thôi mà!”, mình đã cố tin lời mẹ nói, nhưng sao khó quá, bởi ở cái vùng heo hút này, thời gian dường ngừng trôi, hoặc nếu có trôi, cũng trôi rất chậm! Liệu có phải thời gian trôi chậm nên con người mình cũng chậm thích nghi? Gần một tháng rồi mà bàn chân mình vẫn nhức nhối bởi con đường tới lớp quá xa và gồ ghề; đầu gối mình vẫn rã rời mỗi lần gọi về cho mẹ, bởi sóng vẫn mất, và bởi ngọn núi vẫn cheo leo như thế. Mình vẫn chưa quen với việc vào rừng hái rau, lên núi bẻ măng; chưa quen với giọng nói lơ lớ của những đứa học trò nhỏ bé, gầy gò nơi đây; chưa quen với lớp học nghèo nàn, tồi tàn, có những khe hở huếch hoác, nguếch ngoác, khiến những con gió rừng hung hãn chốc chốc lại thốc vào u u, lạnh buốt.
Nhưng giờ thì quen rồi, quen với việc không có điện, nếu muốn sạc điện thoại, phải dùng cái sạc của Tàu chạy bằng pin tiểu; quen với việc mỗi tháng đi chợ một lần vì chợ xa, phải mua cả tảng mỡ lợn về treo trên gác bếp, đợi cho khô keo lại như khúc gỗ, lúc nào xào nấu thì lấy xuống quệt quệt vào cái chảo nóng cho mỡ chảy ra, dùng thay dầu ăn; quen với những lần lội suối, băng đèo, đến tận nhà từng học trò để vận động các em tới trường; quen với những ngày mưa gió, lớp chỉ lác đác, xơ xác vài ba người, tóc ai cũng ướt nhèm, môi ai cũng tím bầm vì mưa lạnh; quen cả với việc không nhìn lịch để đếm ngược thời gian, mong mỏi ngày về…
Hôm nay trời mưa rả rích, và mình nhủ thầm: chắc lại được vài đứa lèo tèo. Nhưng không, lớp đi rất đông đủ, trật tự, ngay ngắn, quần áo chỉnh tề. Thấy cô ngạc nhiên, mấy đứa liền giải thích: “Hôm nay 20-11, bọn con quyết tâm đi học đầy đủ để cô vui”. Rồi chúng ríu rít lên tặng quà: một củ sắn vừa moi trên đồi, hai bắp ngô vừa trẩy ngoài nương, một hoa chuối vừa bẻ trong rừng, một con cá, một túi ốc tươi vừa bắt lên từ suối. Đó là những món quà
mà kể từ khi biết ước mơ trở thành cô giáo, mình chưa bao giờ nghĩ là sẽ được nhận…
Đêm hôm đó, trong giấc ngủ chập chờn, mình mơ được về Hà Nội. Đường phố đông đúc, nhộn nhịp, băng rôn, khẩu hiệu rợp trời. Người ta hối hả đi thăm, đi chúc thầy cô. Mình nhận được nhiều hoa lắm, cả bưu thiếp, cả quà nữa… Thế nhưng, giật mình tỉnh dậy thì chẳng thấy gì, chỉ thấy nước mắt đã trào ra tự lúc nào, và thấy cả ngoài kia, tiếng gió rừng vẫn rít lên từng hồi, dội vào vách núi than van…
Nguồn: https://www.facebook.com/truyencuoibua