Không ai biết tên thật của con bé là gì, mọi người chỉ gọi nó là con dở, bởi lúc nào nó cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ, tự nhiên cười hềnh hệch, rồi lại bất thình lình khóc tu tu. Gặp chó mèo thì nó sà xuống vuốt ve, chứ gặp người, dù là lớn hay bé, già hay trẻ, thì nó cũng chẳng bao giờ thèm chào hỏi một câu. Thậm chí người ta có chủ động hỏi nó thì nó cũng hầu như không trả lời. Rồi lúc nó trả lời thì hầu như không ai hiểu ý nó muốn nói cái gì. Tóm lại nó là con dở!
Con dở ở với mẹ nó trong cái lán lụp xụp phía vườn sau của dãy nhà tập thể. Một số người dân trong khu cũng đã kiến nghị là đuổi hai mẹ con nhà ấy đi, vì cái lều của mẹ con nhà đó bẩn thỉu, nhếch nhác làm mất mỹ quan của khu. Nhưng cũng có người lại bảo là không nên, vì mẹ con nhà đó tuy nghèo khổ nhưng rất hiền lành, chả ăn cắp ăn trộm của ai cái gì, để họ ở đó cũng chẳng hại đến ai, giờ đuổi họ đi thì tội lắm! Không biết tổ dân phố quyết định thế nào, nhưng hiện tại thì cái lán lụp xụp vẫn cứ liêu xiêu đứng đó.
Mẹ con dở làm nghề đồng nát, đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Con dở thì tất nhiên là chẳng làm gì, suốt ngày nó lang thang quanh quẩn nhặt nhạnh, xin ăn, đợi mẹ về mua cho ổ bánh mì, suất cơm hộp – đấy là hôm kiếm được thôi, còn phải hôm mưa gió không kiếm được gì thì có khi chỉ củ khoai, bắp ngô, miếng sắn.
Con dở có vấn đề về thần kinh, nhưng thể xác của nó thì không, vẫn phát triển bình thường, thậm chí phát triển mạnh, bởi nó đương tuổi dậy thì – đây có lẽ lại là một cái dở nữa. Giá như cơ thể nó cứ gầy đét, đen đủi, xấu xí như trước thì đã chẳng nên chuyện, đằng này, độ vài tháng trở lại đây, người nó cứ phổng lên, da trắng hồng mơn mởn, ngực nhú căng tròn. Ánh mắt của mấy thằng choai choai trong khu nhìn nó đã rất khác, không còn cái vẻ khinh miệt, coi thường, mà thay vào đó là sự tò mò, thích thú, và đương nhiên là cả thèm thuồng.
Ấy thế nhưng con dở dường như không ý thức được sự hấp dẫn của mình, không nhận thấy những ánh mắt hau háu, những cái liếm môi khô khốc của những thằng đàn ông nơi nó đi qua – điều này là hẳn nhiên, nếu ý thức được thì nó đã chẳng phải là con dở. Và bởi thế nên nó vẫn hớ hênh, khi thì mặc chiếc áo phông ố vàng trễ cổ, thủng lỗ chỗ, lòi cả ra một mảng da thịt trắng phau; lúc thì chiếc áo sơ mi nhàu nhĩ, đứt cúc, rách một đường chỉ dài từ chiếc cổ ngần ngẫn xuống đến tận bờ vai tròn trịa.
Hình như đã có lần mẹ nó đeo coóc-sê cho nó – chẳng biết là mẹ nó mua hay lượm được từ một thùng rác nào đó, nhưng chỉ mặc được một lát là nó thò tay vào rứt ra rồi ném đi. Cái này cũng giống như trẻ con thôi, đang thả rông thoáng mát và thoải mái thì chả đứa nào thích đóng bỉm cả. Về sau, khi đã quen thì không nói, chứ lúc mới đóng, đứa trẻ nào cũng muốn thò tay xuống xé cái bỉm ra luôn. Sở dĩ lúc ấy trẻ con vẫn phải chịu đóng bỉm là bởi chúng chưa đủ sức xé bỉm, và bởi bố mẹ chúng luôn kè kè bên cạnh canh chừng. Nhưng con dở thì khác, nó đã đủ sức xé, và mẹ nó thì lại đi suốt ngày. Và bởi vậy, mắt của những thằng đàn ông khu này vẫn từng ngày lém lét đá đưa hau háu, môi của bọn họ vẫn nẻ khô, trắng mốc meo, dù cái lưỡi ướt át vẫn liên tục liếm qua liếm lại.
Ở đầu ngõ của khu tập thể này có một cái hồ nhỏ, bên cạnh hồ là một mảnh đất ai đó đã mua nhưng chưa xây, vẫn bỏ hoang, nên mấy khóm chuối dại và đám lau sậy được dịp mọc lên rậm rạm, um tùm. Một số ông bà già về hưu trong khu rảnh rỗi thì mang cuốc ra đó xới mấy mảng đất trống lên để tận dụng trồng rau. Ngày trước thì chả mấy ai đặt chân vào cái vườn hoang đó, trừ lúc người ta ra hái hoặc tưới rau, nhưng độ này, cứ tầm 5 giờ chiều là chỗ ấy lại tụ tập rất nhiều những cậu choai choai đứng ngồi lổn nhổn, thấp tha thấp thỏm. Ban đầu người trong khu nghĩ là bọn chúng nó ra chăm rau, nhưng rồi họ lại gạt đi, bởi mấy thằng đó thì phá rau chứ chăm cái khỉ gì! Hay là chúng ra đó đái bậy? Cũng không phải! Đái bậy thì một hai thằng thôi chứ sao phải kéo nhau cả lũ ra?! Về sau, họ mới biết lý do, đó là vì vào cuối buổi chiều, con dở thường hay ra đó tắm.
Đã có những lời phàn nàn đến tai ông tổ trưởng dân phố rằng mấy luống rau của họ bị bọn thanh niên xéo nát bét, thế nên ông tổ trưởng mới quyết rình bắt quả tang. Chiều ấy, trong lúc đám choai choai đang túm tụm nấp sau khóm chuối dại, thằng nào thằng nấy đều chổng mông, lưng cong cong, đầu ngấp ngó thì bất ngờ có tiếng quát lớn phía sau làm bọn chúng giật bắn:
- Tổ trưởng dân phố đây! Chúng mày định làm loạn hả? Giải tán hết!
Cả lũ quay lại, và một thằng có vẻ bướng nhất trong nhóm lập tức cãi:
- Sao phải giải tán? Có phải đất nhà ông đâu mà ông đuổi!
- A! Thằng này láo! Mày con nhà ai? Tầng nào? Phòng nào? Tao sẽ đến tận nhà bảo bố mày!
- Đây! Bố cháu ở đây luôn rồi! Ông khỏi lên nhà cho mất công.
Dứt lời, thằng bé lách qua đám đông, nghển cổ vào trong bụi chuối hoang gọi lớn:
- Bố ơi! Ra có người gặp này!
Một gã đàn ông từ trong bụi chuối lúi húi chui ra. Vừa nhìn thấy anh ta, ông tổ trưởng đã mắng luôn:
- Anh là bố, là người lớn mà tại sao không gương mẫu? Đáng lẽ anh phải cấm cản chúng nó chứ! Đằng này…
- Bác tổ trưởng thông cảm! Bắt đầu từ mai em hứa sẽ không cho chúng ra đây nữa! Nhưng còn hôm nay, bọn nó đã mất công chầu trực từ chiều, giờ vừa mới xem được tí mà lại đuổi chúng về thì tội lắm! Bác linh động cho chúng xem nốt hôm nay vậy!
- Thôi được! Nhớ là nốt hôm nay đấy nhé! Từ mai, chiều nào tôi cũng sẽ ra đây phục, tôi mà bắt được đứa nào bén mảng thì đừng có trách!
Nói rồi, ông tổ trưởng cũng chen chân vào trong đám đông, cũng chổng mông, cái lưng cong cong, nghiêng ngó. Con dở đang vầy nước dưới hồ bì bõm, da thịt nó trắng hồng, bừng sáng cả một góc hồ. Vừa kì cọ, nó vừa hát líu lo:
“…Ngoài kia có chú bé nhìn qua khe, đang soi hàng của tôi! Ngoài kia có ông lão trèo cành me, mắt như hòn bi ve! Thằng cu thấy cái gì, mà sao trông nó cười thật dê? Còn ông thấy cái gì, mà sao ông há mồm mơ màng? Hạnh phúc quá đơn sơ, ngày nao ông cũng chờ, chờ cho đến 5 giờ, ông lại mò ra hồ. Là La La! Lá La La Là La! La Là La...”
Cuộc sống cứ vậy trôi êm đềm cho đến một ngày con dở có bầu. Cái bụng con dở càng to thì những lời xì xào bàn tán trong khu càng lớn. Người ta tất nhiên không thể biết được ai là bố đứa trẻ trong bụng con dở, bởi khu tập thể này có đến hơn trăm thằng đàn ông, hơn trăm cụ già, và cũng hơn trăm cậu choai choai, tất cả họ đều có thể là thủ phạm. Một vụ án mà không tìm ra được kẻ nào tình nghi thì hẳn là vụ án đó rất khó điều tra. Nhưng một vụ án mà có đến mấy trăm kẻ tình nghi thì việc điều tra cũng không hẳn đã dễ. Thế nên người ta thấy mẹ con dở lồng lộn gào thét, chửi bới, quát tháo vào mặt con dở xơi xơi. Nhưng con dở thì chả biết gì, vẫn cứ cười hềnh hệch ngay cả khi mẹ nó lôi nó xềnh xệch ra giữa sân của khu tập thể, bà con trong khu xúm xít bu vào, người chỉ trỏ, kẻ lắc đầu…
- Giời ơi là giời! Mau nói đi! Con ngủ với thằng nào để đến nông nỗi này?! Giời ơi là giời!
Mặc cho mẹ gào thét rũ rượi, con dở vẫn cười và nhìn mọi người xung quanh đầy vẻ thích thú, ngạc nhiên, cứ như thể nó là một ngôi sao vừa xuống sân bay được fan hâm mộ vậy quanh xin chữ ký. Thế rồi, mắt nó sáng lên khi nhìn thấy bóng một người đàn ông phía cuối sân, nó lập tức rẽ đám đông nhào tới nắm chặt tay người đàn ông ấy giật giật liên hồi, miệng không ngừng ú ớ:
- Chơi! Chơi!
Lúc này, mẹ nó và đám đông cũng đã chạy đến. Gã đàn ông thấy vậy thì hốt hoảng hất tay con dở ra, nhưng không được, vì con dở vẫn nắm rất chặt và mồm thì vẫn liên tục kêu: Chơi! Chơi!
Mẹ con dở có vẻ như đã hiểu ra vấn đề, bà vuốt tóc nó, hỏi bằng giọng rất dịu dàng:
- Con hay chơi với bác này hả? Con có nhớ là con và bác ấy đã chơi trò gì không?
- Bịt mắt bắt chim! Cưỡi ngựa xem dưa! Chơi! Chơi!
Người đàn ông thoáng thảng thốt, luống cuống, chưa biết phản ứng ra sao thì con dở bất chợt buông tay hắn ra rồi chạy vù tới chỗ chân cầu thang, nơi có một người đàn ông khác đang đứng, nó cũng nắm tay người đàn ông ấy, cũng giật giật và mồm thì vẫn kêu liên tục: Chơi! Chơi!
Mẹ con dở có vẻ như lại hiểu thêm được vấn đề nữa, bà cầm tay nó lôi xềnh xệch, vừa đi vừa lẩm bẩm:
- Được rồi! Mẹ sẽ đưa con lên từng tầng một, vào từng phòng một, để xem những thằng nào đã từng chơi trò đó với con!
Thấy tình hình có vẻ nguy cấp, lão hói ở trên tầng 2 lập tức chuồn ra phía ban công sau nhà, đu vào cái ống sắt rồi trườn xuống đất. Gã chạy vùn vụt băng qua mấy chậu cảnh, trèo qua hàng rào rồi men theo con đường nhỏ dẫn tới chỗ vườn ươm um tùm, nơi có cái nhà kho tối tăm bỏ hoang bấy lâu. Trốn ở đây thì mẹ con nhà con dở có tài thánh cũng không tìm ra lão được!
Két!!! Lão đẩy cái cửa han gỉ và chầm chậm bước vào. Cái nhà kho này không có cửa sổ nên tối om, dẫu vậy, lão vẫn nhìn thấy một đám khoảng vài ba chục người đen sì lố nhố, dù không nhận ra được là ai với ai. Ấy vậy mà đã có người nhận ra lão rồi…
- Bác hói hả? Nãy giờ không thấy bác đâu, cứ tưởng bác bị tóm!
- Cậu đấy à! Cậu đểu lắm! Hàng xóm sát nhau mà lúc nguy cấp cậu trốn một mình, không thèm rủ tôi!
- Không phải thế! Lúc em gọi thì bác đang tắm! Em đập cửa thùm thùm mà bác có nghe đâu!
- Đúng rồi đấy! Tôi làm chứng! Đúng là nó có gọi bác thật nhưng bác không nghe thấy! Bác đừng trách nó tội nghiệp! – Một bóng đen đằng sau lên tiếng.
Lão hói thì hình như vẫn đang bực tức, định cao giọng nói tiếp gì đó thì nghe từ phía sau có tiếng quát rất to vọng lên:
- Chúng mày ngậm mồm lại ngay! Đi trốn mà cứ như đi sinh nhật ấy!
Bị quát, lão hói tỏ vẻ khá khó chịu:
- Thằng nào đấy? Thằng nào vừa quát đấy? Thích chết không?
- Tao đây! Tổ trưởng dân phố đây! Mày định làm loạn hả?
Lão hói và lão tổ trưởng dân phố chực lao vào nhau, nhưng cũng may là mọi người đã kịp ngăn lại, rồi nhẹ nhàng khuyên giải, rằng giờ không phải lúc đánh nhau, giờ là lúc phải đoàn kết lại để giải quyết mối họa đang treo lửng lơ trên đầu. Nếu mẹ con nhà con dở mà làm căng, kiện lên công an thì tình hình rắc rối to. Lão tổ trưởng nghe thế thì có vẻ cũng xuôi xuôi, nhưng giọng vẫn còn đôi chút bực mình:
- Ông nào vô trách nhiệm quá! Chơi thì cứ chơi thôi, tại sao lại để nó có chửa khiến toàn thể anh em phải liên lụy và chịu khổ thế này? Nếu con dở không có chửa thì có phải là sự việc đã không vỡ lở? Và chúng ta vẫn cứ thảnh thơi mà chơi không? Ông ích kỷ lắm! Chỉ nghĩ đến cái sướng của bản thân mình mà quên đi người khác!
- Thôi bác! Giờ trách móc cũng chẳng để làm gì! Quan trọng nhất là chúng ta phải đồng lòng, hiệp lực cùng nhau giải quyết thật êm đẹp vụ này! Để nó bung ra là chết cả lũ bác ạ!
Tối hôm đó, đợi lúc vắng người, ông tổ trưởng dân phố mới lẻn xuống cái lán của mẹ con nhà con dở. Ông đưa cho mẹ nó một bọc tiền rồi cất giọng nhẹ nhàng:
- Thôi cô ạ! Việc nó đã trót vậy rồi! Đây là số tiền mà tổ dân phố quyên góp được, cô cầm lấy đưa con bé đi phá thai đi! Để càng lâu càng khó! Cũng không nên thưa ra công an, vì chẳng có chứng cớ gì, ai người ta tin lời một con dở? Với lại, mẹ con cô nên tìm chỗ khác mà ở, chứ ở đây sẽ làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình của các hộ trong khu tập thể đấy!
- Ảnh hưởng hạnh phúc là sao ạ? Cháu không hiểu!
- Thì đấy! Có mỗi con dở nhà cô có chửa thôi mà bà vợ nào cũng nghi ngờ, tra hỏi chồng mình, giờ, cả khu này, vợ chồng nhà nào cũng cãi cọ, xích mích. Hạnh phúc của các gia đình vì thế mà cũng lung lay ghê lắm! Mình sống thì không được ích kỷ! Đừng chỉ nghĩ đến cái sướng của bản thân mình mà quên đi người khác!
Sáng hôm sau, người ta thấy mẹ con nhà con dở lầm lũi xách cái túi rách rưới, dắt díu nhau đi. Ông tổ trưởng đứng trên tầng cao nhìn theo bóng con dở khuất dần sau bụi chuối hoang mọc um tùm bên cái hồ nhỏ nơi đầu ngõ và lắc đầu đầy tiếc nuối. Rồi ông nghĩ đến cái thằng đã làm cho con dở có chửa mà lầm bầm nguyền rủa:
- Đồ ích kỷ! Chỉ nghĩ đến cái sướng của bản thân mình mà quên đi người khác!
Tác giả: Võ Tòng đánh mèo